Điện toán đám mây là gì mà có thể chi phối công nghiệp 4.0?

Blog 555

1. Điện toán đám mây (Cloud) là gì?

1.1 Tại sao ai cũng nhắc đến nó?

Điện toán đám mây chắc hẳn là một cụm từ quen thuộc hiện nay. Vì nó là một trong những khái niệm cốt lõi của công nghiệp 4.0 bên cạnh những cái tên nổi tiếng khác như Internet vạn vật (IoT), Dữ liệu lớn (Big Data), Trí thông minh nhân tạo (AI), Hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP), v.v.

Những khái niệm trên đều là yếu tố chủ chốt cho công nghệ toàn cầu. Việc vận hành hệ thống thông tin, kết nối các công cụ hoặc kết nối giữa con người với con người đều dựa trên những ứng dụng của điện toán đám mây và những “người anh em” của nó. Vậy nên không quá khó hiểu khi một phát minh hữu ích như vậy lại được nhiều người quan tâm và sử dụng.

 

1.2 Vậy bản chất của Cloud là gì?

Nếu để ý một chút, các bạn sẽ nhận thấy, những công nghệ được liệt kê ở đoạn mở đầu đều có một điểm chung tạo nên yếu tố cốt lõi cho công nghiệp 4.0: chính là sự kết nối.

Điện toán đám mây cũng sở hữu đặc trưng này. Như mọi người đã biết, để một website/web app hoạt động thì tài nguyên của nó phải được upload lên một Server để lưu trữ và sử dụng. Website càng lớn thì Server cũng phải lớn theo để đáp ứng nhu cầu. Đôi khi các Server được xây dựng thành một hệ thống lên tới hàng chục đơn vị hoặc hàng trăm đơn vị không chừng. Những hệ thống như thế này được gọi là “Server room” hoặc “phòng Server” theo như cách gọi tại Việt Nam.

Server room

(Một server room điển hình, gồm nhiều Server kết nối với nhau)

Tuy nhiên, phương thức này đã không còn tối ưu bởi những lý do sau:

  • Không phải lúc nào Server cũng hoạt động hết công suất, sẽ có những tài nguyên dư thừa chỉ được sử dụng tại những thời điểm cố định.
  • Cho dù không sử dụng toàn bộ sức mạnh của Server, bạn vẫn phải chi trả toàn bộ chi phí hạ tầng.
  • Nếu Server bất ngờ “ra đi”, sẽ không có nơi để lưu trữ dữ liệu. Nếu có, tức là bạn phải bỏ thêm một số tiền nữa để duy trì Server dự phòng này.

Vì vậy mà Điện toán đám mây (Cloud) ra đời.

Bản chất của Điện toán đám mây chính là sự kết nối một mạng lưới các Server nhằm khai thác tối đa tài nguyên của các Server đó. Mà trong trường hợp này, là các Data Center khổng lồ - sự kết hợp của hàng trăm hàng ngàn Server khác nhau với các chức năng chuyên biệt.

Cloud hợp nhất tài nguyên của cả một Data Center để tận dụng các dịch vụ như lưu trữ dữ liệu, truyền tải thông tin, triển khai phần mềm, v.v. Đồng thời, từng thành phần trong hệ thống có thể đảm nhiệm chức năng backup cho nhau, giúp dữ liệu có thể luân chuyển dễ dàng đề phòng trường hợp “đột tử” bất ngờ.

Để có cái nhìn tổng quan về sự khác biệt giữa việc sử dụng Server thông thường và sử dụng Cloud Server, bạn hãy xem qua bảng so sánh dưới đây.

 

 

Server thông thường

 

Cloud Server

Sử dụng tài nguyên ở Server cố định.

Tận dụng linh hoạt sức mạnh của Data Center.

Phải trả phí đầy đủ cho dù có sử dụng hay không.

Trả phí tùy theo nhu cầu sử dụng.

Cần mua thêm Server backup.

Hệ thống luôn backup lẫn nhau.

Truy cập chậm chạp nếu được đặt tại nơi có khoảng cách địa lý quá xa.

Điều hướng người dùng tới Server gần nhất.

Sức mạnh xử lý chỉ trong phạm vi Server.

Hiệu năng được mở rộng hoặc thu hẹp tùy theo yêu cầu cụ thể.

 

 

2. Điện toán đám mây (Cloud) đang được dùng cho mục đích gì?

Lưu trữ dữ liệu

Có rất nhiều cách để chúng ta lưu trữ dữ liệu: sử dụng ổ đĩa trên máy tính cá nhân, ổ đĩa ngoài, USB, đĩa DVD, v.v.

Với nhiều tùy chọn có sẵn như vậy, điều gì khiến việc lưu trữ dữ liệu trên Cloud trở nên độc đáo?

  • Đầu tiên là dung lượng lưu trữ có thể được mở rộng tùy ý theo nhu cầu sử dụng.
  • Tiếp đến là tính tiện lợi khi các nội dung được lưu trữ có thể được truy cập và chỉnh sửa dễ dàng; được đồng bộ liên tục giữa Cloud và máy tính cá nhân.
  • Thứ ba là tính bảo mật và an toàn dữ liệu. Toàn bộ data của bạn được đảm bảo toàn vẹn bởi những nhà cung cấp lớn. Trong trường hợp xảy ra sự cố, luôn có những biện pháp dự phòng để bạn có thể lấy lại dữ liệu.

 

Phân tích, vận hành Big Data

Dữ liệu không chỉ đơn thuần là những con số vô tri. Nó luôn vận hành và thể hiện những thông tin có giá trị về doanh nghiệp. Được dùng để phân tích và đánh giá tính hiệu quả cho hoạt động kinh doanh.

Vì vậy, để thu thập và phân tích một lượng dữ liệu khổng lồ là không hề dễ dàng. Nó cần tiêu tốn lượng tài nguyên máy tính cực kỳ lớn, đi kèm với mức giá không hề dễ chịu. May mắn thay, hệ thống Cloud được sinh ra để đáp ứng nhu cầu trên. Với nó, các nhà quản trị doanh nghiệp giờ đây đã có cái nhìn sinh động hơn cho mô hình kinh doanh của mình.

Google Search Console, một trong những ứng dụng của Big Data

(Google Sreach Console, một ứng dụng nhỏ của Big Data)

 

Môi trường phát triển và kiểm thử

Cloud tạo ra môi trường để các dịch vụ CNTT được phát triển tốt hơn so với trước đây. Việc nghiên cứu, xây dựng các giải pháp công nghệ cần phải đảm bảo một platform đủ mạnh để phần mềm có thể vận hành trơn tru. Điều này là không dễ nếu tính đến vấn đề chi phí và thời gian, chưa kể những phát sinh trong quá trình thực hiện.

Nhưng với Cloud, các tài nguyên vật lý hay ảo hóa đều có thể đáp ứng theo nhu cầu của dự án. Bởi tính chất mở rộng tùy ý giúp đội ngũ phát triển có đủ “không gian” để nghiên cứu và kiểm thử sản phẩm dễ dàng hơn.

 

Nền tảng kết nối

Kể từ thời điểm Điện toán đám mây ra đời, đã có một sự bùng nổ của những công nghệ chạy trên nền tảng này. Từ các ứng dụng lưu trữ, xử lý thời gian thực, đến các ứng dụng nhắn tin, họp mặt. Đám mây chính là môi trường kết nối giữa người cung cấp dịch vụ và khách hàng. Vì vậy, nó có nhiệm vụ đảm bảo liên kết này luôn ổn định và tránh để xảy ra tình trạng “mất sóng”.

Thế nên thời gian uptime của các hệ thống Cloud là gần như 100% (99,99%), nếu một máy chủ gặp sự cố thì luôn luôn có những máy chủ khác dự phòng trong trường hợp này.

Hệ thống Cloud Server kết nối với nhau

(Các máy chủ Cloud luôn liên kết với nhau, nên chúng ta không cần quá lo lắng về tính ổn định khi kết nối)

 

3. Điện toán đám mây (Cloud) có sức ảnh hưởng cực kỳ lớn đến ngành công nghiệp

3.1 Lợi ích của Cloud

Như một lẽ tất yếu, lợi ích của Điện toán đám mây phải đủ lớn thì mới nhận được sự quan tâm của đông đảo người dùng. Đối với doanh nghiệp - những người trực tiếp kiếm được lợi nhuận từ Cloud, sẽ có 6 lý do thiết yếu để họ quyết định sử dụng nó:

  • Truy cập mọi lúc mọi nơi: vì máy chủ Cloud luôn luôn hoạt động nên các dịch vụ cũng thường trực 24/7.
  • Tiết kiệm chi phí: doanh nghiệp chỉ cần trả phí theo hạn mức sử dụng. Tính trung bình, việc sử dụng Cloud sẽ giúp doanh nghiệp cắt giảm 30% chi phí.
  • Đồng bộ ngay tức thì: khả năng xử lý và trả kết quả của hệ thống Cloud Server là cực kỳ nhanh. Vì vậy, người dùng có thể tương tác với số liệu hoặc liên lạc với nhau theo thời gian thực.
  • Được cập nhật liên tục: các dịch vụ Cloud luôn được update lên phiên bản mới nhất mà không hề mất phí.
  • Mở rộng quy mô dễ dàng: chỉ cần nâng cấp (hoặc mua thêm) gói dịch vụ Cloud doanh nghiệp cần, vậy là nhu cầu mở rộng sẽ được đáp ứng.
  • Bảo mật và an toàn dữ liệu: nếu chỉ so sánh riêng với cách lưu trữ vật lý truyền thống, đám mây đã có độ bảo mật và tiện lợi cao hơn nhiều. Hơn nữa, các nhà cung cấp luôn có cách để doanh nghiệp lấy lại những dữ liệu của mình.

 

3.2 Cloud tạo ra những hình thái công nghiệp mới

Vì Cloud là một hệ thống khá phức tạp, vì vậy các nhà cung cấp dịch vụ Cloud đã phân chia nó thành những hạng mục khác nhau, dẫn đến sự ra đời của các dịch vụ công nghệ theo nhu cầu như: IaaS, PaaS, SaaS.

  • IaaS (Infrastructure as a Service): mô hình Amazon Web Service (AWS), Microsoft Azure, Google Compute Engine, Rackspace, v.v.
  • PaaS (Platform as a Service): SAP Cloud, Google App Engine, Heroku, OpenShift, Apache Stratos, v.v.
  • SaaS (Software as a Service): Dropbox, Mailchimp, Microsoft Office 365, Slack, HubSpot, Google Apps, v.v.

Các dịch vụ này cung cấp tài nguyên của hệ thống Cloud theo mức độ chuyên biệt giảm dần từ IaaS à PaaS à SaaS. Có nghĩa là càng về gần SaaS, khả năng can thiệp vào Cloud của người mua giảm dần. Người mua SaaS chỉ cần sử dụng dịch vụ Cloud được cung cấp mà không cần quan tâm đến việc hệ thống vận hành như thế nào (Microsoft 365, Google Drive, Dropbox, v.v.).

 

Các loại dịch vụ Cloud

(Có thể thấy, càng về gần SaaS, khả năng can thiệp vào hệ thống của người dùng càng giảm dần)

 

4. Điện toán đám mây (Cloud) có nhược điểm nào không?

Có!

Tuy rằng hệ thống Cloud mang trong mình những sức mạnh vượt trội so với các công nghệ cũ. Nhưng không cỗ máy nào là hoàn hảo cả, vẫn có các mặt hạn chế mà hiện tại vẫn chưa thể khắc phục hoàn toàn. Tuy vậy, những mặt hạn chế này xem ra không quá đáng kể so với những lợi ích đã được chỉ ra. Những hạn chế đó là:

  • Cloud là hệ thống xây dựng dựa trên Internet. Nếu bạn không thể vào mạng, tất nhiên không thể sử dụng Cloud.
  • Nếu ứng dụng bạn đang dùng quá mạnh, quá đồ sộ, chi phí cho Cloud của ứng dụng đó chắc chắn không nhỏ.
  • Thông tin và dữ liệu của bạn sẽ nằm trong tay người cung cấp dịch vụ. Cho dù có cam kết bảo mật, nhưng làm sao bạn biết được nhà cung cấp sẽ không vi phạm? (Mạng xã hội màu xanh nào đó chẳng hạn).
  • Tài nguyên của bạn cùng lúc tồn tại trên nhiều máy chủ khác nhau. Cho dù có xóa dữ liệu, cũng không thể đảm bảo rằng nó đã được xóa bỏ hoàn toàn.
  • Nếu muốn thay đổi bên cung cấp dịch vụ Cloud, toàn bộ dữ liệu không tự động đồng bộ mà phải thực hiện thủ công. Điều này khiến người dùng ngại chuyển đổi và dần phụ thuộc vào một nhà cung cấp duy nhất.

Không thể truy cập Cloud nếu thiếu Internet

(Đâu thể nào sử dụng Cloud nếu bạn không có kết nối Internet phải không)

 

5. Chi phí cho các dịch vụ Cloud?

Chi phí này phụ thuộc vào hình thức sử dụng Cloud mà chúng ta muốn sở hữu: IaaS, PaaS hay SaaS.

Thông thường SaaS sẽ có mức giá dễ tiếp cận nhất. Ví dụ các dịch vụ lưu trữ của Google, Microsoft hoặc các hãng khác sẽ có giá trong khoảng từ 3 USD - 10 USD. Các phần mềm bản quyền có giá trị nhỉnh hơn một chút, từ 15 USD - 30 USD, hoặc ngoài phạm vi này tùy theo sản phẩm.

Chi phí dịch vụ Cloud của Microsoft 365 Business

(Mức giá tham khảo cho dịch vụ Microsoft 365 Business)

 

IaaS và PaaS không có mức giá cố định. Rất khó để đưa ra một mức trung bình cho các dịch vụ này, vì chúng cho phép người dùng lựa chọn tài nguyên theo nhu cầu, dẫn đến giá cả cực kỳ đa dạng.

Dù vậy, tại Việt Nam, giá của dịch vụ Cloud Server khá dễ tiếp cận, chỉ chưa đến 10 USD cho một hệ thống Cloud ổn định, đáp ứng nhu cầu cơ bản của một doanh nghiệp. Ví dụ đây là giá của một Cloud Server tiêu chuẩn: https://chips.vn/san-pham/cloud-server 

Tất nhiên, hệ thống mạnh hơn cần nhiều chi phí hơn. Nhưng miễn là bạn sử dụng một dịch vụ Điện toán đám mây, bạn vẫn sẽ sở hữu những lợi ích mà chúng ta đã nhắc đến như: kết nối 24/7, tiết kiệm chi phí, đồng bộ dữ liệu, bảo mật và an toàn,…

 

Hy vọng thông tin này đã giúp bạn hiểu rõ thêm về Cloud cũng như cách nó tác động đến ngành công nghiệp. Nếu cần tìm hiểu thêm về Cloud, Chips sẵn sàng giải đáp cho bạn:

Cảm ơn bạn vì đã quan tâm bài viết của Chips, chúc bạn một ngày tốt lành   

Powered by Froala Editor

Nguồn: Hieudc - Công ty cổ phần Chips