Làm sao để cạnh tranh trên thị trường kinh tế số

Blog 710

1. Mức độ cạnh tranh của thị trường kinh tế số

Kinh tế 4.0 mở ra một thị trường mới nơi các tiềm năng kinh doanh trước đây chưa được khai phá, nay trở thành mục tiêu mà mọi doanh nghiệp đều muốn hướng đến. Sự phát triển của công nghệ tạo ra những công cụ mạnh mẽ giúp những nhà kinh doanh và đầu tư khai thác thị trường, tạo ra những món lợi nhuận khổng lồ.

Nhưng như lẽ tất yếu, lợi nhuận càng lớn thì càng có nhiều doanh nghiệp muốn tham gia sân chơi này. Đi kèm một sự thật khác, những công ty thuần công nghệ, sẽ là những người có được lợi thế nhờ tận dụng tốt nguồn lực của mình. Tuy vậy, để có thể dẫn đầu thị trường, các công ty này cũng phải chật vật với những đối thủ cạnh tranh có chung tầm nhìn.

Các công ty công nghệ cạnh tranh gắt gao

(Các ông lớn công nghệ đang "cạnh tranh" gắt gao để giành thị phần)

Vậy bức tranh tổng quan của thị trường kinh tế số này trông như thế nào, hãy cùng Chips khám phá nhé.

 

1.1 Trên thế giới

Thị trường những năm gần đây đã được khuấy động bằng sự xuất hiện của các công ty công nghệ đầu tư vào vô số các mô hình kinh tế mới. Tiêu biểu là các sàn thương mại điện tử, ứng dụng di động hay game, mạng xã hội, dịch vụ giao nhận,… Có thể kể đến những cái tên như Amazon, Alibaba, Uber, Grab, Garena, Tencent, Facebook, Twitter, Google,…

Đây đều là những cái tên lớn có thị trường phủ rộng toàn cầu. Việc tranh giành thị phần vô hình trung khiến các ông lớn này tự tạo nên đối trọng không hề nhỏ với nhau trong mảng kinh doanh của mình. Liên tục rượt đuổi nhau về mức độ tăng trưởng lẫn doanh thu hàng năm (số liệu năm 2020):

  • Thương mại điện tử: Amazon (381,6 tỷ USD), Alibaba (106,23 tỷ USD), eBay (10,27 tỷ USD)
  • Vận tải hành khách: Uber (17,46 tỷ USD), Lyft (3,21 tỷ USD), Didi (21,63 tỷ USD)
  • Mạng xã hội: Facebook (85,96 tỷ USD), Twitter (5 tỷ USD), Youtube (28,8 tỷ USD)
  • Phát triển game: Garena (4,37 tỷ USD), Tencent (72,02 tỷ USD), Blizzard (8,09 tỷ USD)

Thị trường kinh tế số đã tạo ra món lời khổng lồ cho các công ty công nghệ

(Các công ty công nghệ đã kiếm được món lời khổng lồ nhờ nắm bắt tốt thời cơ)

 

1.2 Tại Việt Nam

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng cực kỳ nhạy bén và bắt nhịp xu thế công nghệ. Các báo cáo ghi nhận, năm 2021 Việt Nam có 64.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực này, tăng thêm 5.600 đơn vị so với năm 2020 và 8.400 đơn vị so với năm 2019. Cộng thêm việc một con số không nhỏ trong số các doanh nghiệp trên đã chuyển sang sản xuất các sản phẩm công nghệ 4.0, càng cho thấy tỉ lệ chuyển đổi ngày càng lớn các hình thức kinh doanh truyền thống lên nền tảng công nghệ.

Kinh doanh trên nền tảng số đang thay thế kinh doanh truyền thống

(Kinh doanh trên nền tảng số đang thay thế kinh doanh truyền thống tại Việt Nam)

Chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm trở lại, Việt Nam chứng kiến sự du nhập của những mô hình kinh doanh thành công trên thế giới. Mở ra một kho tàng mới, gián tiếp hối thúc các doanh nghiệp bản địa phải mau chóng tiếp cận những mô hình này càng nhanh càng tốt để thâu tóm thị trường. Có thể kể đến các hình thức hoạt động công nghệ như: giao nhận, vận tải hành khách, xây dựng hệ sinh thái ứng dụng di động, sản xuất thiết bị công nghệ, sàn thương mại điện tử, v.v.

Không chỉ có các doanh nghiệp trẻ hoặc SME nhạy bén với các mô hình này. Những doanh nghiệp lớn, thường được xem là chậm chạp trong việc nắm bắt và triển khai mô hình kinh doanh mới, giờ cũng đã nhanh chân để cố gắng giành được thị phần:

  • Vingroup, một trong những tập đoàn hàng đầu Việt Nam (thế mạnh kinh doanh bất động sản) dần chú trọng vào sản xuất thiết bị thông minh (Vsmart – ngừng phát triển) và sản xuất ô tô thông minh (Vinfast).
  • Các ngân hàng đua nhau cho ra đời ứng dụng ngân hàng trực tuyến: Vietinbank iPay, Vietcombank Digital, ACB One, v.v.
  • Các doanh nghiệp muốn chiếm lĩnh thị phần mạng xã hội từ Facebook, Twitter: Zalo (VNG), Mocha (Viettel Telecom), Gapo (Gapo), Lotus (VCCorp), v.v.

Vingroup chuyển dịch mô hình kinh doanh của mình

(Doanh nghiệp lớn tại Việt Nam như Vingroup cũng đang chuyển dịch hoạt động của mình)

Tuy việc các doanh nghiệp lớn dần chuyển dịch lên kinh tế số là tín hiệu đáng mừng nhưng đồng thời tính cạnh tranh của thị trường tại Việt Nam sẽ gia tăng, tạo ra tình huống khó khăn cho các doanh nghiệp trẻ hoặc các doanh nghiệp nhỏ hơn (chủ yếu là SME) tham gia cuộc chơi.

 

2. Thị trường kinh tế số Việt Nam đã thay đổi như thế nào?

2.1 Sự bùng nổ các loại hình kinh doanh mới

Sự xuất hiện của những mô hình kinh doanh thành công trên thế giới đã làm đòn bẩy để các doanh nghiệp trong nước tự tin hơn trong việc đầu tư vào công nghệ. Các công ty công nghệ hoặc các mảng kinh doanh công nghệ trực thuộc các công ty lớn mọc lên như nấm sau mưa. Chỉ chưa đầy một thập kỷ, các loại hình công nghiệp cơ bản đã dần bị lấn át bởi ngành công nghiệp 4.0.

Dễ dàng nhận thấy, tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM những mô hình này nở rộ và tạo nên sự cạnh tranh cực kỳ mạnh mẽ giữa những công ty có vốn nước ngoài và công ty Việt Nam. Tuy vậy không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thành công khai thác thị trường này. Chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, thị trường đã chứng kiến sự xuất hiện và ra đi của rất nhiều cái tên, có thể kể đến:

  • Mảng gọi xe trực tuyến (còn hoạt động): Grab, Gojek, Be. Những cái tên đã rút lui: Uber, Vato, MyGo, FastGo.
  • Mảng giao nhận và đặt đồ ăn (còn hoạt động): Ahamove, Foody, Loship, Baemin, ShopeeFood. Những cái tên đã rút lui: Vietnammm, Lala.
  • Mảng thương mại điện tử (còn hoạt động): Shopee, Lazada, Tiki, Sendo. Những cái tên đã rút lui: Adayroi, Vuivui, Robins, Beyeu.
  • Mảng thiết bị thông minh (còn hoạt động): Bkav, Masscom, Asanzo. Những cái tên đã rút lui: Vinsmart, Mobiistar.
  • Mảng tài chính (còn hoạt động): Các app ngân hàng, Momo, ZaloPay, ViettelPay, VNPay, AirPay. Hiện chưa có cái tên nào rút lui khỏi thị trường này.

Thiết bị công nghệ giúp việc sử dụng dịch vụ dễ dàng hơn

(Các mô hình kinh doanh trên tối ưu cho thiết bị công nghệ, để khách hàng dễ dàng truy cập và sử dụng dịch vụ)

Ngoài những loại hình kinh doanh trên, một số mô hình kinh doanh truyền thống khác cũng đang học tập cách thức triển khai và nhen nhóm hình thành các loại hình kinh doanh mới, tạo thành đối trọng khá lớn trước mô hình truyền thống như: Dạy học trực tuyến, Tiếp thị liên kết, Đầu tư tiền điện tử, Xây dựng ứng dụng hoặc game (chủ yếu cho smartphone), v.v.

Có thể thấy, những mô hình này đang được lan rộng và tạo ra một nguồn doanh thu cực kỳ lớn. Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của thị trường. Sự đổi mới vẫn chỉ đang ở giai đoạn áp dụng công cụ là chủ yếu, phục vụ cho mô hình đã thiết lập từ trước, chưa thật sự có đột phá lớn.

 

2.2 Cú sảy chân vì đại dịch

Hơn 2 năm dài từ khi cái tên COVID-19 xuất hiện đã khiến nền kinh tế Việt Nam bị tàn phá một cách không thương tiếc, thị trường rơi vào thời kỳ ảm đạm chưa từng có. Tuy những cái tên lớn cũng phải đình trệ không ít các hoạt động. Nhưng doanh nghiệp vừa và nhỏ mới là những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cú sốc. Sốc vì dịch bệnh gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động doanh nghiệp và sốc vì phải cập nhật công nghệ ngay lập tức để cứu lấy tình hình kinh doanh của mình.

Mặc dù rất nỗ lực, nhưng tính đến tháng 7/2021, thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nhất, đã có đến 70.209 doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động và giải thể theo báo cáo của Bộ Công Thương.

Nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa vì đại dịch COVID-19

(Nhiều doanh nghiệp đã phải đóng của trong thời gian đại dịch - Nguồn ảnh: Saigon Times)

Tuy vậy, báo cáo trên cũng chỉ ra rằng, số lượng các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường được ghi nhận tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2020. Đồng thời, số lượng quay trở lại hoạt động sau đó cũng tăng 3,9%. Điều này cho thấy nỗ lực của các doanh nghiệp để khôi phục hoạt động kinh doanh và gây dựng lại kinh tế càng nhanh càng tốt.

Quá trình thích nghi dần phát huy tác dụng của nó, các doanh nghiệp nhạy bén với sự thay đổi của công nghệ đã nhìn thấy cơ hội kinh doanh tiềm năng và dần chuyển hóa sang mô hình kinh doanh mới, ứng dụng công nghệ kỹ thuật vào hoạt động nhiều hơn.


 2.3 Phục hồi để tiếp tục tăng trưởng

Để phục hồi nhanh chóng và giành lấy lợi thế cạnh tranh, các doanh nghiệp đang cố gắng tranh thủ kết hợp những yếu tố nội tại lẫn tận dụng sự thuận lợi đến từ các yếu tố bên ngoài.

Tận dụng hỗ trợ từ chính phủ

Năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2021/NĐ-CP với chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ liên quan đến chuyển đổi số với hạn mức lên đến 100 triệu đồng/hợp đồng.

Đối với thương mại quốc tế, doanh nghiệp Việt Nam cũng có lợi thế hơn các quốc gia trong khu vực nhờ được ký kết các Hiệp định giúp giao thương trở nên tự do hơn. Có thể kể đến:

  • Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN - Ấn Độ (AITIG).
  • Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA).
  • Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu (EEUV-FTA).
  • Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

 

Tìm kiếm thị trường ngách

Việc bỏ ra thời gian và chi phí để theo đuổi một thị trường với các “tay to” sẵn sàng chịu lỗ hàng năm trời để định vị thương hiệu trong mắt khách hàng dường như không khả thi với tình hình tài chính của hầu hết doanh nghiệp hiện nay. Bằng chứng đến từ những cái tên đã rời cuộc chơi một cách tiếc nuối bên trên.

Vì vậy, việc tìm kiếm một thị trường ngách để khai thác là chiến lược đúng đắn hơn cả. Vừa để phù hợp với năng lực của doanh nghiệp, vừa để tránh đụng độ trong một trận chiến không cân sức với những ông lớn trên thị trường.

 

Tích cực áp dụng các tiến bộ công nghệ

Để cạnh tranh tốt buộc doanh nghiệp phải nhanh chóng tiếp cận các tiến bộ công nghệ cho hoạt động kinh doanh và cả quản trị của mình. Nhìn chung, sự áp dụng tại Việt Nam thường sẽ nằm trong những nhóm:

  • Tự động hóa để sản xuất 24/7.
  • Tận dụng điện toán đám mây (Cloud).
  • Quản trị linh hoạt bằng các công cụ phần mềm.
  • Đồng bộ mô hình làm việc trên mọi cơ sở.
  • Tiếp cận khách hàng qua những kênh tiếp thị trực tuyến.
  • Sừ dụng hệ thống thống kê, đánh giá, phân tích, tổng hợp hiệu quả kinh doanh của công ty.

 

Sử dụng công nghệ trong sản xuất

(Doanh nghiệp Việt Nam tích cực ứng dụng công nghệ nhiều hơn)

Hầu hết các doanh nghiệp theo nhận định của các chuyên gia đạt tỷ lệ chuyển đổi số chưa lớn, tính cạnh tranh vì thế chưa cao bằng các khu vực khác. Nhưng không vì vậy mà tính thách thức khi tham gia thị trường này giảm đi, bởi khu vực Đông Nam Á được đánh giá là đang phát triển cực kỳ mạnh mẽ, vẫn còn nhiều tiềm năng đang chờ khai phá.

Từ đây đặt ra một câu hỏi nan giải, liệu các doanh nghiệp chưa thật sự chuyển đổi số mạnh mẽ có cơ hội nào để chen chân vào thị trường kinh tế này không?

Câu trả lời là: Có. Nhưng tất nhiên phải thỏa mãn rất nhiều yếu tố.

 

3. Yếu tố giúp các doanh nghiệp cạnh tranh

3.1 Phát huy nguồn lực nội tại

Tập khách hàng

Lợi thế dễ nhận ra nhất của doanh nghiệp có nền tảng xây dựng lâu dài là số lượng khách hàng trung thành. Thương hiệu càng lớn mạnh, khách hàng càng nhớ đến doanh nghiệp nhiều hơn.

Xu thế “Lấy khách hàng làm trọng tâm” đã trở thành mục tiêu marketing quan trọng. Trên thực tế, rất nhiều công ty đã đổ chi phí và nguồn lực cực lớn chỉ để tạo ra trải nghiệm thoải mái nhất khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ cho khách hàng. Mục tiêu này càng lúc càng rõ ràng khi hiện tại, nhu cầu của nó thậm chí đã kéo theo sự ra đời của các ngành công nghệ, hoặc các công ty công nghệ có chuyên môn cao trong lĩnh vực này.

Tập trung vào trải nghiệm của khách hàng là mục tiêu quan trọng để tạo ra lợi thế cạnh tranh

(Trải nghiệm của khách hàng đang được ưu tiên hơn bao giờ hết)

Nếu doanh nghiệp của bạn có lợi thế về tập khách hàng ổn định, thì nên phát huy nhiều hơn nữa về mặt trải nghiệm người dùng.

 

Kinh nghiệm triển khai

Có thể phân chia kinh nghiệm triển khai thành 2 yếu tố chính:

  • Kinh nghiệm quản trị: mỗi doanh nghiệp sẽ có cách thức quản trị riêng biệt phù hợp cho mô hình kinh doanh; kinh nghiệm quản trị sẽ giúp doanh nghiệp biết phải tối ưu ở điểm nào, lộ trình tối ưu ra sao, cần bổ sung hoặc cắt giảm nhân sự như thế nào cho hợp lý.
  • Kinh nghiệm kinh doanh: là tổng hợp những kinh nghiệm quý giá tích lũy từ quá trình vận hành; bao gồm những bài học, trường hợp khó khăn và cách xử lý. Việc có được kinh nghiệm từ trước sẽ giúp doanh nghiệp tránh phải những sai lầm không đáng có sau này. 

Có kinh nghiệm luôn là lợi thế để doanh nghiệp cạnh tranh dễ dàng hơn. Năng lực cạnh tranh tốt sẽ giúp doanh nghiệp tăng trưởng nhanh trên thị trường.

 

Giá trị cốt lõi

Tổng hòa các yếu tố từ mô hình kinh doanh, cách thức quản trị, văn hóa doanh nghiệp, đặc trưng của sản phẩm và dấu ấn thương hiệu trong mắt khách hàng tạo thành giá trị cốt lõi của một doanh nghiệp. Cho dù định hướng phát triển có thay đổi thì những giá trị cốt lõi làm nên tên tuổi thương hiệu vẫn nên được bảo tồn. 

 

3.2 Tiếp cận sự đổi mới – chuyển đổi số

Thời gian

Thời gian chính là nhân tố đầu tiên ảnh hưởng đến quá trình chuyển đổi. Càng thực hiện chuyển đổi số sớm bao nhiêu, lợi thế càng lớn bấy nhiêu. Với sự thay đổi liên tục của công nghệ, chuyển đổi số sớm sẽ cho doanh nghiệp nhiều thời gian hơn để đánh giá và phân tích, mau chóng thích nghi và ổn định mô hình kinh doanh. Tạo ra lợi thế không nhỏ so với các đối thủ chưa chuyển đổi.

Thời gian là yếu tố đặc biệt của chuyển đổi số

(Thời gian là yếu tố đặc biệt của sự đổi mới: cho dù bạn không làm gì, nó vẫn sẽ mất đi)

 

Chi phí

Chi phí luôn là vấn đề lớn ảnh hưởng đến quá trình này. Tuy có thể nói rằng, số tiền dành cho chuyển đổi chắc chắn không nhỏ, nhưng đổi mới là một quá trình lâu dài và phức tạp, không thể hoàn thành ngay lập tức kể cả khi có một số tiền lớn.

Doanh nghiệp hãy ưu tiên “Số hóa” (Digitizing) trước bằng việc sử dụng các công cụ số giúp quy trình vận hành được tinh gọn hơn. Giảm được chi phí ban đầu và tiến hành nâng cấp dần. Từ đó mới thu thập và phân tích đủ dữ liệu để tiến hành “Chuyển đổi số” (Digital Transformation).


Để phân biệt “Số hóa” và “Chuyển đổi số”, hãy xem bài viết này của Chips nhé: https://chips.vn/blog/the-nao-la-chuyen-doi-so-thanh-cong 


Chi phí cho chuyển đổi số

(Chi phí càng lớn, thành công càng cao nhưng doanh nghiệp nên cân đối để phù hợp cho từng giai đoạn)

Công nghệ

Công nghệ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất công việc, lựa chọn đúng nền tảng công nghệ sẽ gián tiếp giảm đi áp lực cho các hoạt động khác, cùng lúc gia tăng chất lượng sản phẩm. Có thể kể đến những nâng cấp như:

  • Đầu tư thiết bị mới.
  • Tận dụng IoT (Internet vạn vật).
  • Khai thác tài nguyên số (Cloud).
  • Khai thác công cụ phần mềm (phần mềm quản lý sản xuất, quản lý khách hàng, kế toán – kiểm toán, quản lý bảo hành, v.v.).
  • Thúc đẩy hoạt động trực tuyến (hội họp trực tuyến, digital marketing, social network, tiếp thị liên kết, v.v.)

Các hình thức công nghệ trong chuyển đổi số

(Hãy tận dụng sức mạnh của công nghệ để cạnh tranh)

 

Yếu tố con người

Đến cuối cùng, yếu tố quyết định sự thành bại của một doanh nghiệp vẫn là con người. Các hệ thống công nghệ không thể vận hành nếu thiếu đi nhân sự am hiểu; các nhà quản trị không thể khai thác toàn bộ nguồn lực doanh nghiệp nếu không nắm rõ sức mạnh của công nghệ; kinh doanh không thể có tăng trưởng nếu không tận dụng khả năng bán hàng trên các nền tảng trực tuyến hay mạng xã hội.

Con người tham gia và tác động vào toàn bộ quá trình trên. Sự đồng nhất trong mục tiêu và quyết tâm chuyển đổi sẽ tạo nên nguồn sức mạnh to lớn, giúp doanh nghiệp có lộ trình rõ ràng và tuân thủ các yêu cầu về doanh số hay kỳ hạn. Vì thế, đầu tư vào con người cũng là một nhiệm vụ quan trọng phải thực hiện song hành với đầu tư công nghệ.

Nhân sự am hiểu công nghệ là nguồn lực quan trọng của doanh nghiệp chuyển đổi số

(Nhân sự am hiểu công nghệ là nguồn lực quan trọng của doanh nghiệp chuyển đổi số)

 

4. Lời kết

Có thể thấy, không dễ để doanh nghiệp có thể cạnh tranh nếu không có các lợi thế rõ ràng. Việc tối ưu mô hình kinh doanh để tận dụng những lợi thế không phải quá trình ngắn hạn. Nó cần sự đầu tư nghiêm túc về cả thời gian, chi phí, công nghệ, con người và cùng lúc vẫn phải giữ vững những giá trị cốt lõi đã làm nên thương hiệu trong tâm thức khách hàng.

Nếu bạn vẫn chưa rõ về lộ trình chuyển đổi số sao cho phù hợp với mô hình kinh doanh của công ty, hãy liên hệ với Chips để Chips có thể tư vấn chuyên sâu hơn cho bạn nhé:

Cảm ơn bạn vì đã quan tâm bài viết của Chips, chúc bạn một ngày tốt lành   

Powered by Froala Editor

Nguồn: Hieudc - Công ty cổ phần Chips