Chuyển đổi số ảnh hưởng thế nào đến biến đổi khí hậu toàn cầu

Blog 785

 1. Thực trạng chuyển đổi số

Chuyển đổi số từ lâu đã là một chủ đề nổi bật cho quá trình thay đổi hình thái công nghiệp – Kinh tế 4.0 - một cuộc cách mạng mới được mong đợi sẽ khiến thế giới thay đổi. Nó là xu hướng tất yếu đã và đang tiếp tục lan rộng, đóng vai trò then chốt cho sự phát triển của kinh tế toàn cầu.

Tính cạnh tranh của thị trường hội nhập đòi hỏi sự tiếp cận các giải pháp mới và đột phá hơn để thâu tóm khách hàng. Vô hình trung khiến các công ty và doanh nghiệp phải liên tục cập nhật và sử dụng công nghệ IoT. Dẫn đến quá trình chuyển đổi số được thực hiện gấp rút hơn bao giờ hết.

(Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của kinh tế thế giới)

Theo nghiên cứu năm 2017 của Microsoft tại khu vực Châu Á TBD, năm 2017, tác động mà chuyển đổi số mang lại cho GDP là khoảng 6%, năm 2019 là 25% và tới năm 2021 là 60%.

Một kết quả nghiên cứu khác chỉ ra rằng, vào năm 2025, mức độ tác động của chuyển đổi số tới GDP của nước Mỹ là khoảng 25%, với đất nước Brazil là 35%, còn ở các nước Châu Âu là khoảng 36%. Từ đây, có thể thấy khả năng tác động của nó đối với tăng trưởng GDP là rất lớn.

Tốc độ chuyển đổi số tại các khu vực và quốc gia là không đồng nhất, tùy thuộc vào mức độ phát triển công nghệ và tốc độ chuyển đổi mô hình doanh nghiệp. Trong đó khu vực châu Âu được đánh giá là khu vực có tốc độ chuyển đổi số nhanh nhất, tiếp đến là Mỹ và các quốc gia tại châu Á.

Nhưng cũng giống như kịch bản của những cuộc cách mạng công nghiệp trong quá khứ. Sự phát triển của quá trình chuyển đổi số cũng kéo theo sự gia tăng của vấn đề ô nhiễm môi trường – nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu.

 

2. Các tác động gây biến đổi khí hậu

2.1 Tác động xấu

Mọi cuộc Cách mạng công nghiệp luôn đi kèm với yêu cầu lớn từ nguyên liệu đầu vào để xây dựng hệ thống phục vụ sản xuất. Mà trong trường hợp này – nền kinh tế 4.0, “nguyên liệu” đầu vào chính là một nguồn năng lượng cực kì khổng lồ để cung cấp và duy trì những cỗ máy tính với khả năng xử lý hàng triệu triệu phép tính mỗi giây.

Sự “háu đói” đến từ những hệ thống máy tính gây ra áp lực lên các hệ thống điện toàn cầu. Không chỉ thế, theo thời gian, những công nghệ mới nhanh hơn mạnh mẽ hơn xuất hiện thì yêu cầu về năng lượng tiêu thụ lại càng khủng khiếp hơn bao giờ hết.

Blockchain – một trong các công nghệ cốt lõi cho thời kỳ Cách mạng này là một con “quái thú” thật sự trong việc tiêu tốn tài nguyên năng lượng. Một nghiên cứu từ Đại học Cambridge của Vương quốc Anh cho thấy rằng các công nghệ blockchain đã tiêu thụ nhiều năng lượng hơn toàn bộ quốc gia Argentina trong một năm, với lượng phát thải gây hiệu ứng nhà kính được báo cáo là ngang bằng với lượng phát thải của thành phố London.

(Công nghệ Blockchain là một mắt xích quan trọng của kinh tế 4.0)

NFT – 1 trong những ứng dụng của Blockchain cần 142 số điện (kWh) để tạo nên 1 đơn vị. Con số này tương đương năng lượng mà một gia đinh sử dụng trong 4,7 ngày. Đồng thời, lượng điện năng đó thải ra khoảng 54,7kg CO2, cao hơn 6 lần khi đốt 3,7 lít xăng. Vậy câu hỏi là: số đơn vị NFT đã được tạo ra là bao nhiêu?
Hàng chục triệu đơn vị và vẫn đang tiếp tục tăng. Đó là chúng ta vẫn chưa tính đến việc NFT chỉ là 1 trong nhiều ứng dụng khác của Blockchain.

Việc gia tăng một lượng lớn khí thải ra môi trường khiến nhiệt độ trung bình của Trái Đất vốn đã bất ổn nay trở nên đáng ngại hơn. 

Các báo cáo của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu cảnh báo quá trình nóng lên toàn cầu và hậu quả chúng ta phải đối mặt lớn đến chừng nào. Các phân tích cho thấy nếu nhiệt độ trung bình của Trái Đất chỉ cần nhích thêm 1,5 độ C thì đến 14% các loài sinh vật trên cạn sẽ phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Con số này sẽ tăng lên thành 18% và 29% nếu nhiệt độ tăng lần lượt là 2 độ C và 3 độ C.

(Hiện tượng nóng lên toàn cầu gây ra biến đổi khí hậu)

Thậm chí không cần đến những báo cáo của Liên Hợp Quốc, ngay tại Việt Nam chúng ta cũng có thể nhận thấy các tác động của biến đổi môi trường trong những năm qua có ảnh hưởng cực kỳ tiêu cực:

  • Mực nước biển tăng khiến đất liền bị xâm thực dọc các khu vực duyên hải. Nơi sinh sống của hàng chục triệu người bị thu hẹp, quỹ đất ít đi, bị nhiễm mặn khiến khả năng canh tác không còn như trước.
  • Biến đổi khí hậu khiến tình hình mưa lũ, bão lụt gây ra sự tàn phá trầm trọng hơn trước đây (bão lũ lịch sử tại miền Trung năm 2020).

(Sạt lở và bão lũ tại Việt Nam do biến đổi khí hậu)

Hiện nay Trái Đất đã ấm hơn 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nếu không có những động thái rõ ràng, chúng ta sẽ phải đối mặt với những nguy cơ cực kỳ lớn đến từ vấn đề biến đổi khí hậu.

 

2.2 Tác động tốt

Lẽ dĩ nhiên việc đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế là điều tất yếu phải xảy ra. Nhưng không phải mọi đối tượng chuyển đổi số đều có chủ đích gây ra hậu quả tiêu cực. Đôi khi, chính sự chuyển đổi này đã tìm thấy giải pháp để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và tạo ra những lợi ích để bù đắp cho các thiệt hại đã gây nên. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng trích lợi nhuận hoặc dùng ý thức bảo vệ môi trường của khách hàng để làm đòn bẩy phát triển kinh doanh.

Ecosia – Trình duyệt cam kết chi 80% lợi nhuận của họ cho việc trồng cây tại nhiều quốc gia như Brazil, Indonesia, Peru, Tây Ban Nha, Colombia,... Ecosia thường xuyên cập nhật những dự án, thước phim cho thấy họ đang trực tiếp giúp đỡ người dân và tổ chức nơi họ đặt chân đến để thực hiện đúng cam kết của mình.

(Ecosia đã thực hiện trồng hơn 100 triệu cây xanh)

Bên cạnh đó, trong cuộc sống thường nhật, việc chuyển đổi số còn mang đến những lợi ích thiết thực cho những người trực tiếp sử dụng chúng.

Một ví dụ điển hình là việc chấm dứt phần lớn tình trạng sử dụng giấy trong môi trường làm việc. Mọi hồ sơ, tài liệu sẽ được số hóa, chuyển thành dữ liệu trên các phần mềm, máy tính. Từ giấy tờ, chứng từ, văn bằng hiện tại đều có thể được phát hành trên nền tảng trực tuyến. Thậm chí cả những dịch vụ liên quan đến hành chính công như Hóa đơn điện tử cũng đang dần chiếm ưu thế so với cách làm truyền thống. Tạo ra hiệu quả vượt trội về mặt kinh tế đồng thời giúp làm giảm được lượng lớn giấy phải sử dụng. Số lượng gỗ cây, rừng cây phải chặt để làm thành giấy cũng giảm đi đáng kể, môi trường rừng được bảo vệ, nguồn nước cũng bớt ô nhiễm hơn.

(Số hóa giúp làm giảm lượng giấy được sử dụng)

Trong thời gian đại dịch, thế giới chứng kiến cách các doanh nghiệp, tổ chức phải thích nghi với điều kiện làm việc từ xa. Cũng chính là thời điểm để các nền tảng kết nối trực tuyến thể hiện sức mạnh của mình. Giúp kết nối mọi người lại với nhau, việc di chuyển từ nhà riêng đến chỗ làm là điều không cần thiết bởi chúng ta có thể dễ dàng làm việc từ xa, làm việc tại nhà, bất cứ khi nào và ở đâu. Hình thức này gián tiếp cắt giảm lượng khí thải từ các phương tiện di chuyển cá nhân hay công cộng. Giảm mức độ ô nhiễm của các thành phố lớn xuống đáng kể.

Song song với đó, tuy có tác động không thật sự rõ ràng nhưng việc hạn chế di chuyển cũng giúp lượng rác thải được cắt giảm. Người lao động khi đến những nơi đông người như văn phòng công sở, tòa nhà công ty, các quán cà phê bàn việc,… thường phải đem theo khẩu trang, các công cụ bảo trợ để phòng dịch kéo theo số lượng đồ nhựa, thức ăn thừa, vật dụng hư hỏng được thải ra môi trường tăng lên. Nhưng khi ứng dụng các tiện ích trực tuyến như mua sắm, chuyển phát, giao nhận,… một cách hiệu quả, người dùng đã có ý thức hơn giúp lượng rác thải giảm đi đáng kể.

 

3. Hướng đi của chuyển đổi số

Cần thiết phải khẳng định lại: Chuyển đổi số không hề xấu, nó không phải là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu. Mặt khác, còn tạo tiền đề để phát triển các công nghệ và giải pháp để chống lại những vấn đề gây biến đổi trên.

Phải kể đến, các cơ quan Chính phủ và Nhà nước trước giờ chỉ làm việc trên những giấy tờ vật lý. Giờ đây cũng phải học cách ứng dụng những công nghệ trực tuyến vào quy trình làm việc. Chính phủ Việt Nam đang tích cực chuyển đổi với mục tiêu phát triển thành Chính phủ số trong những năm tới với quyết tâm và lộ trình rất rõ ràng. Bắt buộc những doanh nghiệp tại Việt Nam cũng phải cập nhật và chuyển mình để phù hợp với yêu cầu.

(Chính phủ Việt Nam đang tích cực chuyển đổi số)

Khu vực Đông Nam Á tuy được đánh giá là thị trường non trẻ và chưa sở hữu sức mạnh chuyển đổi số rõ nét nhưng lại có tiềm năng phát triển rất lớn. Tính cạnh tranh được các chuyên gia từ trong nước và cả quốc tế công nhận là thị trường cực kỳ sôi động trong thời gian tới với sự góp mặt của các nhà đầu tư từ các khu vực lân cận.

Các buổi hội thảo, sự kiện về chủ đề trên diễn ra với tần suất ngày một nhiều cho thấy sự quan tâm của mọi tầng lớp đến quá trình chuyển đổi số là không thể bàn cãi. Hướng đi và sự hiện diện của chuyển đổi số trong mọi mặt của cuộc sống vì vậy mà xuất hiện rõ ràng hơn bao giờ hết.

 

4. Động thái chống biến đổi khí hậu

Các công ty công nghệ cũng đang có những cam kết cho việc sử dụng năng lượng có trách nhiệm hơn. Apple và Facebook đã hoàn tất xây dựng trung tâm dữ liệu mới trên nền 100% năng lượng tái tạo. Đồng thời sử dụng các vật liệu thay thế cho các sản phẩm mới của họ, cắt giảm lượng rác thải ra môi trường.

Google hợp tác với Liên Hợp Quốc trên mục tiêu giảm ½ chất thải thực phẩm toàn cầu, tạo ra các hệ thống thực phẩm bền vững. Bản thân Google cũng đã giảm được 1 nghìn tấn thức ăn bị lãng phí mỗi năm, giảm thiểu tiêu thụ 15% lượng nước sạch và đạt tỉ lệ 78% phân loại rác ở các trụ sở trên toàn cầu. Thêm nữa Google còn định kỳ nhắc nhở người dùng về những hành động, sự kiện liên quan đến bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu thông qua các sản phẩm của họ như Google Search Doodle, Youtube,...

(Google Doodle về ngày Trái Đất)

Các tổ chức và cá nhân sở hữu thế mạnh về công nghệ cũng có những động thái tích cực tương tự. Các dự án ứng dụng công nghệ bảo vệ môi trường liên tục được để xuất hoặc đã đưa vào thí nghiệm thực tế, nhận được sự quan tâm của các tổ chức lớn trên thế giới và cả trong cộng đồng, và bước đầu cho thấy những kết quả khả quan.

Tuy vậy quá trình trên cần được quan tâm và đẩy mạnh hơn nữa.

(Rác thải vẫn tồn tại rất nhiều ngoài môi trường)

 

5. Trách nhiệm của chúng ta

Có thể thấy, sự bùng nổ của giai đoạn công nghiệp này là không thể tránh khỏi. Chuyển đổi số mang lại tiềm năng và cơ hội lớn để chúng ta phát triển. Sự phát triển cần phải đánh đổi nhưng không có nghĩa rằng chúng ta sẽ gạt bỏ trách nhiệm trước những vấn đề gây hại đến môi trường sống.

Việc phòng tránh biến đổi khí hậu có thể được thực hiện từ những điều đơn giản nhất: cắt giảm rác thải, sử dụng vật liệu thay thế, ủng hộ các chiến dịch môi trường,… Đối phó với biến đổi khí hậu toàn cầu không phải việc thực hiện trong một sớm một chiều. Đòi hỏi công sức và những giải pháp đột phá đến từ sự phát triển khoa học công nghệ. Một trong những đòn bẩy đó chính là sự lan tỏa của chuyển đổi số, mở ra cơ hội để chúng ta tiếp cận những phương án làm sạch môi trường hiệu quả. Vậy nên, sẽ cần thêm thời gian để những dự án, giải pháp thành hình và thật sự mang đến lợi ích cho việc chống biến đổi khí hậu của chúng ta.

Cảm ơn bạn vì đã quan tâm bài viết của Chips, chúc bạn một ngày tốt lành  

Powered by Froala Editor

Nguồn: Hieudc - Công ty cổ phần Chips