Thiếu hụt chip bán dẫn sẽ cản trở tăng trưởng IoT từ 10% đến 15%

Blog 504

1. Thiếu hụt chip bán dẫn toàn cầu

Cuộc khủng hoảng nguồn cung chip bán dẫn toàn cầu đã khiến quá trình sản xuất thiết bị IoT trong nhiều ngành công nghiệp bị gián đoạn. Mặc dù phần lớn tin tức về sự thiếu hụt này tập trung vào ngành công nghiệp ô tô, nhưng các lĩnh vực khác như y tế, thiết bị gia dụng và điện tử tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng.

Chip bán dẫn

(Tình trạng chip bán dẫn bị thiếu hụt sẽ kéo dài đến năm 2023)

Forrester Research - một công ty nghiên cứu thị trường của Hoa Kỳ cung cấp lời khuyên về tác động tiềm tàng và tiềm ẩn của công nghệ tới khách hàng và công chúng đưa ra dự đoán rằng thiếu hụt chip toàn cầu sẽ ức chế sự tăng trưởng của thị trường IoT từ 10% đến 15% trong năm 2022. Và vấn đề này sẽ không thực sự được giải quyết cho đến giữa năm 2023.

“Nhiều doanh nghiệp sẽ phải vật lộn với sự khan hiếm và biến động giá cả trong năm 2022. Việc sở hữu các thiết bị IoT sẽ trở nên khó khăn vì chúng thường tích hợp các công nghệ về cảm biến, vi điều khiển đặc thù hơn nhiều so với các loại chip đại trà cho CPU hay GPU” - các chuyên gia phân tích tại Forrester Research cho biết.

Công ty này cũng dự đoán, việc sản xuất các sản phẩm ứng dụng IoT như xe thông minh, thiết bị di động thông minh cũng sẽ bị trì hoãn hoặc giá bán của chúng sẽ bị đội lên cao.

George Colony - Giám đốc điều hành của Forrester Research

(George Colony - Giám đốc điều hành của Forrester Research)

 

2. Nguyên nhân gây thiếu hụt chip bán dẫn

Đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ trong năm 2020 đã buộc các nhà sản xuất ô tô và các đại lý phải đóng cửa. Doanh số bán xe giảm mạnh khiến các công ty này phải nhanh chóng hủy đơn đặt hàng các bộ phận có chip bán dẫn. Vậy nên, các nhà sản xuất chip buộc phải cắt giảm việc sản xuất chip của mình và bán sản phẩm cho các ngành hàng khác như điện thoại, máy tính, trò chơi điện tử.

Chip bán dẫn ô tô

(Ngành sản xuất ô tô cũng có một phần trách nhiệm trong việc thiếu hụt nguồn cung chip bán dẫn)

Tuy nhiên, thị trường ô tô đã hồi phục rất nhanh chỉ trong thời gian ngắn do người tiêu dùng bị dồn nén mong muốn mua hàng và các ưu đãi tài chính có mức lãi suất 0%. Vì vậy, khi các hãng xe và đại lý hoạt động trở lại, sản lượng của chip bán dẫn không thể theo kịp nhu cầu; trong khi các sản phẩm như điện thoại, máy tính vẫn cần nguồn cung rất lớn do người tiêu dùng làm việc tại nhà bởi đại dịch.

Chính pha “quay xe” này đã đẩy sản lượng chip bán dẫn thế giới đi xuống kể từ thời điểm đó. Số lượng chip bán dẫn cho các ngành điện tử dân dụng hiện tại vẫn rất cao, nên sự ưu tiên dành cho IoT không còn được quan tâm nhiều như thời điểm trước

Dù vậy, ngành sản xuất chip bán dẫn đã có những kế hoạch mới và mức đầu tư mới cho việc đảm bảo cung ứng trở lại. Bởi, nhu cầu chip bán dẫn toàn cầu đang ở mức cao hơn bao giờ hết.

Biểu đồ nhu cầu chip bán dẫn của các khu vực

(Nhu cầu chip bán dẫn của các khu vực trên thế giới)

 

3. Thị trường chip bán dẫn sẽ biến đổi như thế nào

Các nhà đầu tư trên thế giới đang rót hàng chục tỷ USD để xây dựng các nhà máy sản xuất chip bán dẫn nhằm phục hồi thị trường trong năm 2023. Hai quốc gia nổi bật trong dự án tầm cỡ này có thể kể đến Mỹ và Trung Quốc.

Ngày 15/03 Intel công bố kế hoạch xây nhà máy sản xuất chip trị giá 19 tỷ USD tại Magdeburg (Đức). Trước đó một tháng, họ cũng cho biết sẽ đầu tư ít nhất 20 tỷ USD vào cơ sở mới tại New Albany, bang Ohio (Mỹ). Theo CEO Pat Gelsinger, đây là một phần trong kế hoạch hạn chế phụ thuộc vào châu Á và giải quyết cơn khát chip toàn cầu.

Mỹ cũng đã lên kế hoạch đầu tư 52 tỷ USD vào nghiên cứu, phát triển và sản xuất chất bán dẫn trong nước. Trong khi đó, 27 quốc gia thành viên EU cũng đang xem xét gói đề xuất trị giá 48 tỷ USD để tăng năng lực sản xuất chip của khu vực.

Tất nhiên, Trung Quốc không hề ngồi yên để Mỹ và châu Âu vượt mặt. TSMC – công ty sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới hiện đặt tại Đài Loan, đang được Trung Quốc ra sức lôi kéo để chiếm lợi thế thị trường. Dự tính đến năm 2030, chính quyền Bắc Kinh có thể chi đến 150 tỷ USD để nâng cao năng lực cạnh tranh của các công ty chip nội địa.

Cạnh tranh Mỹ và Trung Quốc

(Liệu ngành chip bán dẫn sẽ gây ra một cuộc chiến kinh tế mới giữa Trung Quốc và Mỹ?)

Kể cả như vậy, sự đầu tư này cũng chỉ có thể phát huy tác dụng vào những năm kế tiếp, khi năng lực sản xuất chip bán dẫn được khôi phục và có nhiều hơn các cơ sở sản xuất mới đủ khả năng đáp ứng nhu cầu hiện tại.

Thị trường sản phẩm IoT có lẽ sẽ còn phải chờ đến giữa năm 2023 để có thể quay lại đường đua công nghệ và tiếp tục quá trình công nghiệp hóa của mình. Nhưng với các tín hiệu khả quan như đã thấy, giai đoạn kế tiếp chắc chắn sẽ cho chúng ta chứng kiến sự bùng nổ các giải pháp tiềm năng.

 

Cảm ơn bạn vì đã quan tâm bài viết của Chips, chúc bạn một ngày tốt lành   

Powered by Froala Editor

Nguồn: Hieudc (Tổng hợp nhiều nguồn) - Công ty cổ phẩn Chips