5 xu hướng IoT được mong đợi nhất 2022

Blog 510

IoT (Internet vạn vật) luôn là đề tài bàn luận không ngừng của các chuyên gia công nghệ. Bởi, nó luôn luôn thay đổi để phù hợp với sự phát triển của các công nghệ khác như Cloud, Machine learning, Big Data, v.v. nhằm phục vụ các nhu cầu của con người.

Do đó, mỗi thời kỳ khác nhau sẽ có những xu hướng khác nhau. Ứng dụng của IoT cũng liên tục đổi mới trong những năm qua. Không chỉ gói gọn trong những ngành công nghiệp, IoT đang dần tạo ra những xu hướng trong đời sống hàng ngày.

Vậy xu hướng IoT nào sẽ tạo ra giá trị lớn, hay tạo ra đột phá về công nghệ trong năm 2022?

 

1. Nhà thông minh

Nhà thông minh (smart home) là một trong những ứng dụng phổ biến nhất của hệ thống IoT khi mà càng ngày càng nhiều người tiêu dùng quan tâm các đến tiện ích trong ngôi nhà chúng ta sinh sống.

Cuộc sống càng hiện đại thì càng sản sinh nhiều công cụ hiện đại. Do đó, nhu cầu tự động hóa và quản lý các thiết bị trong căn nhà sao cho thuận tiện và đơn giản đã trở thành một trào lưu của những năm gần đây. Vậy nên không ngạc nhiên khi việc xây dựng hệ thống nhà thông minh luôn là một thị trường đầy tiềm năng với các đơn vị cung cấp thiết bị IoT.

Thiết bị điều khiển nhà thông minh

(Nhà thông minh với các chức năng được điều khiển thông qua một thiết bị duy nhất)

Dựa theo thống kê của Statista – một công ty nghiên cứu thị trường lớn của Đức, doanh số đến từ dịch vụ phát triển nhà thông minh tại Việt Nam chỉ đạt mức 45 triệu USD vào năm 2018 nhưng sẽ tăng đến 319 triệu USD vào năm 2022. Thậm chí, nó còn được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng hơn 35%, tức khoảng 500 triệu USD trong năm 2023.

Một minh chứng khá rõ ràng nữa là ngành công nghiệp bất động sản cũng đang thúc đẩy sự phát triển của thị trường nhà thông minh với việc các dự án tích cực đưa cụm từ “thông minh” làm tiêu chí để cạnh tranh. Không khó để thấy các toà nhà lớn hay các khu căn hộ, khu đô thị đều đang trưng bày các pano, tờ rơi quảng cáo "căn hộ 4.0" hay "căn hộ thông minh" để thu hút khách hàng. Về phía người tiêu dùng, ngày càng nhiều gia đình chủ động tìm hiểu về nhà thông minh ngay khi có ý định sở hữu bất động sản cho riêng mình.

Mẫu quảng cáo nhà thông minh

(Một mẫu quảng cáo nhà thông minh thường thấy)

 

2. Thiết bị đeo tay thông minh

Nhờ sự tiến bộ về công nghệ, các thiết bị thông minh chúng ta sử dụng mỗi lúc càng trở nên nhỏ gọn hơn. May thay, sự nhỏ gọn này không làm suy giảm chức năng của chúng. Mà ngược lại, những vật dụng này còn được tối ưu cho những mục đích rất cụ thể như theo dõi tình trạng sức khỏe, thông báo vị trí người sử dụng hoặc thực hiện một số chức năng tương tự các thiết bị di động khác.

Các nhà sản xuất thiết bị vòng đeo tay thông minh đã đầu tư rất tốt cho sản phẩm của mình. Ngoài những chức năng phần mềm luôn được cập nhật, những vòng đeo tay này luôn được sản xuất dựa trên các tiêu chuẩn chống nước hoặc chống bụi bẩn tân tiến, sở hữu độ bền cao.

Vòng đeo tay thông minh với mẫu mã đa dạng

(Vòng đeo tay thông minh có những mẫu mã vô cùng đa dạng đi kèm với mức giá dễ tiếp cận)

Chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, liên tục những mẫu mã thiết bị đeo tay với các mức giá đa dạng được ra đời và tạo nên cơn sốt mới trong cộng đồng những người yêu thích công nghệ. Và đến hiện tại, không khó để bạn có thể sở hữu một chiếc vòng đeo tay với các công cụ cơ bản như nghe, gọi, giải trí hay có chức năng kiểm tra nhịp tim, đếm số bước chân, theo dõi giấc ngủ với mức giá chưa đến 1 triệu đồng.

Với sự nâng cấp công nghệ liên tục, vòng đeo tay thông minh đang được kỳ vọng sẽ tạo nên một cuộc cách mạng mới cho các thiết bị IoT nhỏ gọn trong tương lai.

Một mẫu vòng đeo tay thông minh(Một mẫu vòng đeo tay thông minh với các chức năng tiện dụng)

 

3. Xe thông minh

Nói đến xe thông minh, chúng ta không phải chỉ đang đề cập chức năng “tự lái” trên một số dòng xe cao cấp của các hãng xe lớn. Mà một chiếc xe thông minh phải đảm nhận được nhiều chức năng hơn và thuận tiện hơn cho người sử dụng. Đó có thể là khả năng ra lệnh bằng giọng nói, tự động điều khiển nhạc, điều hướng tuyến đường ngắn nhất, v.v. Tất cả nhằm phục vụ mục tiêu chính là mang đến cho người lái một trải nghiệm thú vị, tiện lợi và an tâm hơn khi điều khiển phương tiện của mình.

Bên trong một chiếc xe thông minh

(Bên trong một chiếc xe thông minh)

Tuy công nghệ tự lái là một tính năng tuyệt vời, nhưng không đồng nghĩa với việc chúng ta nên lạm dụng nó. Khá nhiều mẫu xe hơi cao cấp của các hãng như Audi, BMW hay Tesla đều sở hữu chế độ này. Không may thay, tâm lý của đại đa số người tiêu dùng vẫn chưa sẵn sàng để giao phó hoàn toàn tính mạng bản thân cho một bộ vi xử lý tình huống.

Chính điều này là rào cản để một chiếc xe thực sự được gọi là “thông minh”. Vì nó đi ngược lại với tiêu chí tạo ra sự an tâm, thoải mái cho người sử dụng.

Vì vậy, chắc hẳn sẽ còn mất một thời gian dài nữa để những chiếc xe như thế này thật sự được mọi người công nhận là “thông minh”. Nhưng với sự đầu tư mạnh tay của các công ty công nghệ và chế tạo ô tô hàng đầu thế giới (ví dụ như Tesla), ô tô thông minh chắc chắn sẽ còn được quan tâm nhiều hơn nữa và nhận được các thay đổi đáng kể trong những năm tới.

 

4. Robot thông minh

Việc tự động hóa robot đã hỗ trợ đắc lực cho con người trong các công việc hàng ngày, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp và chế tạo, nơi những cỗ máy có thể đảm nhận những nhiệm vụ nặng nhọc có độ rủi ro cao hơn nhưng đem lại hiệt suất tốt hơn.

Robot, khi được kết nối với các thiết bị IoT, có thể mở rộng khả năng giám sát và cảm biến, cũng như giao tiếp và truyền tải dữ liệu cho nhau. Thông qua đó, chúng có thể truy cập vào dữ liệu được phân tích và các kịch bản được đưa ra phù hợp với từng loại dữ liệu đó, đi đến các quyết định về hành động cần thực hiện mà không phải thông qua con người.

 

Cánh tay robot thông minh

(Robot thông minh có thể đưa ra quyết định mà không cần sự tác động từ con người)

Hiệu quả của hệ thống này có thể được tăng lên theo thời gian bằng cách sử dụng các mô hình và chiến lược máy học (Machine learning). Một con người sẽ không lặp lại sai lầm nếu đã trải qua những tình huống tương tự trước đó. Đồng nghĩa, nếu có những kịch bản được xây dựng tốt cho hệ thống robot thông minh, chúng có thể đi sâu hơn vào việc phân tích các chỉ số và dự đoán các kết quả khả quan, từ đó đưa ra quyết định một cách chính xác những gì cần phải thực hiện.

Robot “học” được càng nhiều, chúng ta càng tối ưu được khả năng vận hành và tạo ra nhiều giá trị hơn. Vì vậy việc đầu tư vào một hệ thống robot thông minh gần như là một yếu tố phải có đối với các công ty có hoạt động công nghiệp. Đó cũng là mục tiêu mà các công xưởng trên thế giới nhắm đến.

 

5. Edge computing (điện toán biên)

Bên trên chúng ta đã đề cập đến vấn đề kết nối các robot thông minh với nhau để chúng có thể tạo ra một luồng xử lý liền mạch. Trong hệ thống IoT, Cloud computing (điện toán đám mây) chính là phần tử đảm nhận trách nhiệm này.

Tuy nhiên, hệ thống IoT lại tồn tại một nhược điểm rất lớn: lượng dữ liệu sinh ra từ các thiết bị là cực kỳ khổng lồ. Một số dữ liệu trong đó không thật sự có nhiều giá trị về mặt xử lý, mà chủ yếu để lưu trữ. Nếu toàn bộ lượng thông tin này đồng thời được chuyển về Cloud server, sẽ tạo ra gánh nặng cho hệ thống, khiến các phần tử phản hồi chậm hơn chúng ta mong muốn.

Vậy nên Edge computing (điện toán biên) ra đời để giải quyết vấn đề này.

Sơ đồ giải thích khác biệt giữa Cloud computing và Edge computing

(Sự khác nhau giữa Cloud và Edge computing)

Edge computing là một thuật ngữ có tính tương đồng với Cloud computing. Tuy vậy, khác với Cloud khi phải truyền tải dữ liệu tới Cloud server nằm bên ngoài phạm vi của các thiết bị IoT, Edge computing kết nối trực tiếp với các phần tử này và xử lý thông tin ngay tại chỗ.

Điều này cho phép các dữ liệu được hiển thị theo thời gian thực và có độ trễ thấp hơn nhiều. Việc phân loại và quyết định gửi dữ liệu nào về Cloud server cũng được Edge computing đảm nhiệm, giúp chúng tối ưu chức năng riêng biệt của mình.

Với các hệ thống nhỏ, Cloud computing vẫn đảm nhiệm rất tốt chức năng của mình. Nhưng, một khi mở rộng hệ thống IoT, nhu cầu xử lý theo thời gian thực nên được quan tâm trên hết. Đây là thời điểm chúng ta cần đến sức mạnh của Edge computing.

 

Lời kết

Trên đây là những xu hướng IoT được mong đợi nhất của năm 2022 và có lẽ cũng là xu hướng cho những năm tới.

Việc xuất hiện những công nghệ mới khiến khái niệm về IoT ngày càng được mở rộng và bao trùm. Và liệu rằng đến một lúc nào đó, khái niệm về IoT có thể lớn đến mức chi phối hoàn toàn những khái niệm khác và làm thay đổi nhận thức của chúng ta về nền công nghiệp 4.0 hay không? Ý kiến của bạn là như thế nào về suy nghĩ này?

Nếu bạn quan tâm đến IoT và muốn biết thêm những thông tin liên quan, hãy liên hệ để Chips tư vấn cho bạn nhé

Cảm ơn bạn vì đã quan tâm bài viết của Chips, chúc bạn một ngày tốt lành   

Nguồn: Hieudc - Công ty cổ phần Chips