Kinh nghiệm triển khai ERP thành công

Blog 1004

Từ những năm 1990, sự xuất hiện của ERP đã có những tác động lớn đến cách các công ty trên thế giới quản lý nguồn lực của mình. Có những công ty đã triển khai nó từ rất sớm và cũng đã đạt được thành công ngay từ những ngày đầu tiên.

Chắc hẳn chúng ta cũng rất tò mò việc họ đã thành công như thế nào và cách họ triển khai ra sao. Vậy hãy cùng Chips tìm hiểu phương thức mà những tập đoàn lớn dưới đây áp dụng và cách mà ERP tác động lên mô hình kinh doanh của họ nhé.

 

1. LG Electronics

Tình huống đối mặt

LG Electronics là tập đoàn trong lĩnh vực sản xuất điện tử và thiết bị gia dụng, với hơn 114 công ty con và trên 82.000 nhân viên tại 40 quốc gia toàn cầu. Vì có mạng lưới lớn như vậy nên việc hợp nhất dữ liệu nhân sự từ các chi nhánh trên thế giới để báo cáo là vô cùng phức tạp, tốn thời gian và tốn kém.

Nguyên nhân: các công ty con của LG sử dụng những chương trình quản lý nhân sự khác nhau gây bất đồng bộ, khiến hiệu quả công việc và giao tiếp bị cản trở bởi phương thức quản lý này.

Vì vậy các lãnh đạo của LG quyết định rằng họ cần đến một hệ thống quản lý nhân sự nâng cao, thứ sẽ giúp tập đoàn giải quyết triệt để tình trạng trên. 

Trụ sở của LG Electronics

(LG Electronics -1 cái tên lớn trong ngành điện tử và gia dụng toàn cầu)

Quá trình chuyển đổi

Sau khi nhận thấy vấn đề, LG Electronics đã liên hệ với Oracle Consulting để cùng nhau đưa ra hướng đi tốt nhất cho việc triển khai hệ thống mới. May mắn thay, 2 bên nhanh chóng đồng ý rằng Oracle E-Business Suite ERP sẽ là phương án phù hợp nhất cho tình hình hiện tại.

Oracle E Business Suite

(Oracle E-Business Suite được thiết kế để đáp ứng cho các mô hình công ty đa quốc gia)

Theo đó, việc phát triển được chia thành 5 giai đoạn. Vào năm 2002, từ hệ thống quản trị ban đầu, các hạng mục ERP khác dần được triển khai bao gồm:

  • Data mart.
  • Hệ thống quản trị hiệu suất.
  • Tiêu chuẩn hóa các quy trình và báo cáo.
  • Thiết lập Cổng thông tin nhân viên.
  • Phát triển Ứng dụng E-learning.

Tất cả những công việc trên nhằm giúp LG xây dựng một kho lưu trữ thông tin duy nhất, được sử dụng để phân phối và thực thi các chính sách nhân sự mà hãng hướng đến.

Kết quả đạt được

Vào tháng 4 năm 2006, toàn bộ hệ thống quản lý doanh nghiệp của LG Electronics đã chính thức hoạt động dựa trên nền tảng ERP mới. Sau quãng thời gian triển khai dài hơi, LG đã thực sự đạt được những lợi ích mà họ hằng mong muốn, bao gồm:

  • Khả năng quản lý nhân sự chặt chẽ phù hợp theo từng khu vực, mỗi công ty con có thể linh hoạt giám sát hoạt động của mình.
  • Minh bạch trong chương trình tuyển dụng và đánh giá nhân viên.
  • Giúp những nhà quản trị cấp cao theo dõi báo cáo thời gian thực từ mọi cơ sở trên thế giới.
  • Hệ thống đào tạo bài bản, nhân viên có thể chủ động học tập, tiết kiệm thời gian và chi phí đào tạo nhờ Cổng thông tin nhân viên.
  • Tăng sự hài lòng của nhân viên và giảm bớt khối lượng công việc cho nhóm nhân sự toàn cầu.

Nhờ sự kiện này, LG sau đó đã mạnh dạn hơn trong việc phát triển các cơ sở mới trên thế giới, mang đến cơ hội phát triển kinh tế trong khu vực. Một trong những cơ sở đó chính là nhà máy LG Electronics tại Hải Phòng – Việt Nam.

Nhà máy LG Electronics tại Hải Phòng - Việt Nam

(Nhà máy LG Electronics tại Hải Phòng - Việt Nam)

 

2. Amazon

Tình huống đối mặt

Amazon cung cấp một kho hàng khổng lồ về bất kỳ loại sản phẩm hoặc dịch vụ nào có thể tưởng tượng được. Một loạt các lựa chọn như vậy làm choáng ngợp những ai ghé thăm trang web. Do đó, Amazon cần phát triển một giải pháp để đơn giản hóa trải nghiệm giữa người mua hàng và người bán hàng.

Quá trình chuyển đổi

Amazon bắt đầu sử dụng hệ thống ERP của SAP từ năm 2008 sau khi đi đến kết luận rằng họ không thể đáp ứng các mục tiêu dài hạn với hệ thống cũ đang sử dụng. Hệ thống ERP mới bắt buộc phải đáp ứng những yêu cầu về:

  • Kế toán – Tài chính.
  • Xác minh hóa đơn.
  • Quản lý hàng tồn kho.
  • Hậu cần (Logistic).
  • Quản trị nguồn nhân lực.
  • Quản lý đơn hàng.
  • Bán hàng.

Vậy nên điều Amazon cần không chỉ là 1 mà là rất nhiều phân hệ, trong đó một số mô-đun đã được triển khai cụ thể là:

  • SAP Basis / NetWeaver Administration.
  • SAP Business Suite.
  • SAP BusinessObjects.
  • SAP HANA.
  • SAP Mobility.

Và cho dù vậy, những mô-đun trên vẫn không hoàn toàn thỏa mãn nhu cầu của Amazon. Nên công ty này thậm chí đã tự xây dựng một hệ thống ERP cho riêng mình dựa trên nền tảng của SAP.

Quy trình đặt hàng bằng ERP của Amazon

(Quy trình đặt hàng được quản lý bằng ERP của Amazon - Nguồn: neosalpha.com)

Kết quả đạt được

Hệ thống ERP mới trở thành công cụ quan trọng giúp người bán theo dõi doanh số, phân tích tỷ suất lợi nhuận và tìm cách giữ chân khách hàng. Đồng thời nâng cao trải nghiệm mua sắm cho người ghé thăm trang web bằng việc thực hiện những chức năng:

  • Kết nối liền mạch các phân hệ ERP, tiết kiệm lượng lớn thời gian bằng việc tự động hóa quy trình giữa người bán và người mua.
  • Tự động hóa xử lý đơn hàng và đồng bộ thông tin đặt hàng, hóa đơn, giao hàng từ trang chủ của Amazon sang hệ thống ERP và ngược lại.
  • Giảm chi phí vận hành và cung cấp báo cáo kinh doanh chính xác.

Kết quả sau khi vận hành ERP, Amazon có bước tăng trưởng đột phá; chi phí vận hành giảm, tỷ suất lợi nhuận tăng cao và vươn mình trở thành website thương mại điện tử lớn nhất thế giới.

Đồng thời theo thống kê của các chuyên gia marketing, Amazon đã liên tục giành được vị trí số #1 cho hạng mục “Thương hiệu có nhiều khách hàng trung thành nhất” trong suốt 5 năm, từ 2017 – 2021.

Thống kê doanh thu của Amazon theo năm

(Doanh thu và lợi nhuận hàng năm của Amazon sau khi triển khai ERP – Nguồn: macrotrends.net)

Thống kê lợi nhuận ròng theo năm của Amazon

(Tăng trưởng Net Income đột biến của Amazon – Nguồn: macrotrends.net)

 

3. Walmart

Tình huống đối mặt

Walmart Inc. – một tập đoàn bán lẻ đa quốc gia của Mỹ điều hành chuỗi đại siêu thị, và cửa hàng tạp hóa lớn nhất theo vốn hóa thị trường.

Vấn đề mà Walmart gặp phải là việc thiếu lợi thế về công nghệ. Trước đây, Walmart luôn dựa vào cách thức triển khai bán lẻ truyền thống, vì vậy phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ những đối thủ khác.

Không giống trường hợp của Amazon, Walmart thực sự “sở hữu” những cơ sở kinh doanh, kho hàng, chuỗi cung ứng lớn nên về bản chất, hệ thống ERP được Walmart chọn phải đáp ứng những nhu cầu cụ thể của mô hình kinh doanh này.

Infographic số lượng cửa hàng Walmart toàn cầu

(Infographic thể hiện số lượng cửa hàng Walmart toàn cầu – Nguồn: Kylie Kim; Edit: Chips.vn)

Quá trình chuyển đổi

Walmart không chỉ làm việc với duy nhất 1 đơn vị cung cấp ERP. Từ 2007, hãng bán lẻ này đã ký kết nhiều hợp đồng với các bên triển khai như SAP, Oracle, Teradata và mới nhất là Microsoft Azure vào năm 2018.

Với SAP làm nền tảng, ERP của Walmart giải quyết nhu cầu mua sắm và quản lý theo mô hình đa quốc gia như:

  • Xử lý dữ liệu giao dịch của 250 triệu khách hàng mỗi tuần.
  • Tối ưu chuỗi cung ứng của hơn 10.000 cơ sở toàn cầu.
  • Quản lý khoảng 2 triệu nhân viên.

Walmart đã cho triển khai hệ thống ERP của mình trên phạm vi quốc tế. Giai đoạn đầu tiên kết thúc năm 2010 và năm 2015 toàn bộ dự án chính thức được hoàn thành.

Thống kê số lượng cửa hàng Walmart theo năm

(Số lượng cửa hàng Walmart sau 2010 tăng mạnh nhờ triển khai ERP thành công – Nguồn: statista.com)

Gần đây nhất Walmart và Microsoft đã ký một thỏa thuận 5 năm cho Microsoft Azure, một nền tảng thực thi hệ thống ERP. Với những yêu cầu đặt ra là:

  • Tích hợp và phát triển các giải pháp dựa trên Blockchain. 
  • Tập trung vào thương mại điện tử nhiều hơn.
  • Cloud sẽ là nền tảng quản lý các nguồn lực của công ty. 
  • Nâng cấp hệ thống kho và thực hiện nhiều chức năng hơn.
  • Quản lý mối quan hệ với các nhà cung cấp bằng Trí tuệ nhân tạo.

Ngân sách ERP của Walmart tuy không công bố rõ ràng, nhưng với những nâng cấp mang tầm cỡ quốc tế và mức doanh thu hàng năm vào khoảng 350 tỷ USD, thì chi phí này sẽ phải ở ngưỡng hàng trăm triệu USD trở lên.

Kết quả đạt được

Sau nỗ lực thoát khỏi cách làm truyền thống và tự làm mới hình thức kinh doanh, Walmart đã quản lý hiệu quả hơn nguồn lực của mình và tạo ra doanh thu vượt trội. Hệ thống ERP đóng vai trò như chất xúc tác giúp hoàn thiện mục tiêu của chuỗi bán lẻ này, gồm 4 tác động chính là:

  • Giảm chi phí kinh doanh và chi phí lưu kho.
  • Tối ưu chuỗi cung ứng, 
  • Tăng cường mối quan hệ với người tiêu dùng.
  • Gia tăng số lượng cửa hàng trên thế giới, đưa sản phẩm đến nhiều quốc gia và thị trường mới.

Nhờ ERP, liên tục trong nhiều năm, Walmart là công ty đạt doanh thu bán lẻ toàn cầu lớn nhất thế giới. Khẳng định vị thế vững chắc trước các đối thủ có nền tảng công nghệ khác.

Thống kê doanh thu bán lẻ toàn cầu 2020

(Xếp hạng doanh thu bán lẻ toàn cầu 2020, đơn vị tính: tỷ USD – Nguồn: statista.com)

 

4. Apple

Tình huống đối mặt

Chúng ta đều biết Apple là công ty có lợi nhuận cao nhất trên thế giới, và vũ khí bí mật để đạt được lợi nhuận đó là sự đổi mới. Một trong những đổi mới quan trọng mà hãng công nghệ này tạo ra là các sản phẩm kỹ thuật số như Swift, App Store, iTunes, v.v.

Tuy nhiên, để phát triển sản phẩm một cách nhanh chóng và sở hữu hệ sinh thái đa dạng nhằm cạnh tranh với các đối thủ khác, Apple không thể tự mình thực hiện mọi công việc. Vì vậy, họ cần đến sự giúp sức của một trong những nhà cung cấp ERP hàng đầu thế giới – SAP.

CEO Apple Tim Cook và CEO SAP Bill McDermott

(CEO Apple Tim Cook và CEO SAP Bill McDermott trong cuộc thảo luận hợp tác)

Quá trình chuyển đổi

Tuy đã sử dụng nền tảng của SAP từ 1997, nhưng dự án cộng tác vào năm 2016 mới là cái bắt tay thực sự đưa sản phẩm của 2 hãng công nghệ này lên một tầm cao mới.

SAP sẽ giúp Apple phát triển một loạt các ứng dụng kinh doanh tùy chỉnh mới cho các thiết bị iOS, iPad và iPhone thông qua SAP HANA Cloud Platform (SDK). Với phương pháp này, hàng triệu nhà phát triển trên khắp thế giới có thể viết các ứng dụng iOS tùy chỉnh của riêng họ bằng ngôn ngữ lập trình mới của Apple - Swift.

Thêm vào đó, cả Apple và SAP dều có được lợi thế to lớn nhờ tận dụng nguồn lực của nhau, cụ thể:

  • 98% công ty thuộc danh sách Fortune 500 đang sử dụng thiết bị iOS, đồng thời SAP cũng là đối tác thân thiết với những công ty này.
  • Có 76% giao dịch kinh doanh được thực hiện thông qua hệ thống của SAP.
  • Đến 87% doanh nghiệp trong nhóm này có kế hoạch mở rộng danh mục đầu tư của họ trong 12 tháng tới.

Vì vậy đây là thời điểm vàng để 2 ông lớn này triển khai ERP và tạo dựng một hệ sinh thái mạnh mẽ, thu hút nhiều khách hàng lớn cho hệ thống của mình.

Infographic lợi thế hợp tác giữa Apple và SAP

(Lợi thế của cái "bắt tay" giữa Apple và SAP)

Kết quả đạt được

Thương vụ giữa Apple và SAP tiến triển tốt đẹp. Apple đã bổ sung các giải pháp công nghệ mới cho SAP, giúp SAP mang lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng.

Đổi lại, Apple được mở rộng hệ sinh thái iOS, làm nền tảng cho các sản phẩm khác như App Store đến gần người dùng hơn và giúp họ xây dựng lòng trung thành cho hệ sinh thái của mình. Đồng thời, Apple cũng nhân cơ hội này để bán thiết bị cho khoảng 310.000 khách hàng toàn cầu (SAP và đối tác của SAP), hầu hết trong số đó là các doanh nghiệp lớn với hàng nghìn nhân viên.

Thống kê doanh thu thiết bị Mac của Apple theo năm

(Doanh thu từ thiết bị Mac của Apple, tăng mạnh vào những năm 2020, 2021; đơn vị tính: tỷ USD – Nguồn: businessofapps.com)

 

5. Điểm chung của những câu chuyện thành công này là gì?

Tuy có mô hình kinh doanh khác nhau, các công ty này đều tập trung vào:

  • Giải quyết vấn đề cốt lõi: sử dụng ERP để tháo các nút thắt quan trọng nhằm đạt được bước tiến lớn.
  • Bắt đầu từ sớm, có lộ trình rõ ràng: vì các công ty này đều hiểu rõ hệ thống ERP cần thời gian để phát huy hiệu quả.
  • Có chiến lược triển khai phù hợp với mô hình của mình: ví dụ Walmart không thể áp dụng cách thức triển khai ERP như Amazon vì mô hình kinh doanh của 2 công ty này khác nhau. Vì vậy lựa chọn giải pháp nào phù hợp là điều rất quan trọng.

Nhờ vậy họ đã đạt được những lợi ích thực tế khi triển khai ERP là:

  • Mở rộng quy mô kinh doanh, xây dựng thêm các cơ sở và phủ sóng thương hiệu tại nhiều khu vực.
  • Giảm đi chi phí vận hành, chi phí quản lý, báo cáo liên tục và thống nhất giữa các chi nhánh, giúp nhà quản trị dễ dàng theo dõi.
  • Tạo ra doanh thu tăng trưởng vượt bậc, các ví dụ trên đều cho thấy rõ ràng mức gia tăng doanh thu và tỷ suất lợi nhuận rất lớn.
  • Gia tăng trải nghiệm sử dụng dịch vụ, củng cố lòng trung thành từ khách hàng.

Câu chuyện về các công ty lớn trên thế giới thành công nhờ ERP còn rất nhiều đại diện, có thể kể đến những cái tên như: Starbucks, IBM, AT&T, Berkshike Hathaway, Toyota, Tesla, Cadbury,… Và tất nhiên cũng không hề ít những cái tên đã thất bại trong việc triển khai, để lại cho chúng ta những bài học quý giá.

Xem thêm: 5 thất bại triển khai ERP kinh điển, chúng ta học được gì từ những sai lầm này?

Nhưng có lẽ Chips sẽ để dành cho một bài viết khác, với những phân tích chuyên sâu hơn và cho bạn đọc một cái nhìn trực quan hơn về những gì mà ERP có thể giúp cho một doanh nghiệp thành công trên con đường kinh doanh.

Cảm ơn bạn vì đã quan tâm bài viết của Chips, chúc bạn một ngày tốt lành 

 

Nếu có thắc mắc nào liên quan đến giải pháp, hãy liên hệ với Chips nhé: