Chuyển đổi số ảnh hưởng thế nào đến biến đổi khí hậu toàn cầu

Blog 593

 1. Thực trạng chuyển đổi số

Chuyển đổi số từ lâu đã là một chủ đề nổi bật cho quá trình thay đổi hình thái công nghiệp – Kinh tế 4.0 - một cuộc cách mạng mới được mong đợi sẽ khiến thế giới thay đổi. Nó là xu hướng tất yếu đã và đang tiếp tục lan rộng, đóng vai trò then chốt cho sự phát triển của kinh tế toàn cầu.

Tính cạnh tranh của thị trường hội nhập đòi hỏi sự tiếp cận các giải pháp mới và đột phá hơn để thâu tóm khách hàng. Vô hình trung khiến các công ty và doanh nghiệp phải liên tục cập nhật và sử dụng công nghệ IoT. Dẫn đến quá trình chuyển đổi số được thực hiện gấp rút hơn bao giờ hết.

(Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của kinh tế thế giới)

Theo nghiên cứu năm 2017 của Microsoft tại khu vực Châu Á TBD, năm 2017, tác động mà chuyển đổi số mang lại cho GDP là khoảng 6%, năm 2019 là 25% và tới năm 2021 là 60%.

Một kết quả nghiên cứu khác chỉ ra rằng, vào năm 2025, mức độ tác động của chuyển đổi số tới GDP của nước Mỹ là khoảng 25%, với đất nước Brazil là 35%, còn ở các nước Châu Âu là khoảng 36%. Từ đây, có thể thấy khả năng tác động của nó đối với tăng trưởng GDP là rất lớn.

Tốc độ chuyển đổi số tại các khu vực và quốc gia là không đồng nhất, tùy thuộc vào mức độ phát triển công nghệ và tốc độ chuyển đổi mô hình doanh nghiệp. Trong đó khu vực châu Âu được đánh giá là khu vực có tốc độ chuyển đổi số nhanh nhất, tiếp đến là Mỹ và các quốc gia tại châu Á.

Nhưng cũng giống như kịch bản của những cuộc cách mạng công nghiệp trong quá khứ. Sự phát triển của quá trình chuyển đổi số cũng kéo theo sự gia tăng của vấn đề ô nhiễm môi trường – nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu toàn cầu.

 

2. Các tác động gây biến đổi khí hậu

2.1 Tác động xấu

Mọi cuộc Cách mạng công nghiệp luôn đi kèm với yêu cầu lớn từ nguyên liệu đầu vào để xây dựng hệ thống phục vụ sản xuất. Mà trong trường hợp này – nền kinh tế 4.0, “nguyên liệu” đầu vào chính là một nguồn năng lượng cực kì khổng lồ để cung cấp và duy trì những cỗ máy tính với khả năng xử lý hàng triệu triệu phép tính mỗi giây.

Sự “háu đói” đến từ những hệ thống máy tính gây ra áp lực lên các hệ thống điện toàn cầu. Không chỉ thế, theo thời gian, những công nghệ mới nhanh hơn mạnh mẽ hơn xuất hiện thì yêu cầu về năng lượng tiêu thụ lại càng khủng khiếp hơn bao giờ hết.

Blockchain – một trong các công nghệ cốt lõi cho thời kỳ Cách mạng này là một con “quái thú” thật sự trong việc tiêu tốn tài nguyên năng lượng. Một nghiên cứu từ Đại học Cambridge của Vương quốc Anh cho thấy rằng các công nghệ blockchain đã tiêu thụ nhiều năng lượng hơn toàn bộ quốc gia Argentina trong một năm, với lượng phát thải gây hiệu ứng nhà kính được báo cáo là ngang bằng với lượng phát thải của thành phố London.

(Công nghệ Blockchain là một mắt xích quan trọng của kinh tế 4.0)

NFT – 1 trong những ứng dụng của Blockchain cần 142 số điện (kWh) để tạo nên 1 đơn vị. Con số này tương đương năng lượng mà một gia đinh sử dụng trong 4,7 ngày. Đồng thời, lượng điện năng đó thải ra khoảng 54,7kg CO2, cao hơn 6 lần khi đốt 3,7 lít xăng. Vậy câu hỏi là: số đơn vị NFT đã được tạo ra là bao nhiêu?
Hàng chục triệu đơn vị và vẫn đang tiếp tục tăng. Đó là chúng ta vẫn chưa tính đến việc NFT chỉ là 1 trong nhiều ứng dụng khác của Blockchain.

Việc gia tăng một lượng lớn khí thải ra môi trường khiến nhiệt độ trung bình của Trái Đất vốn đã bất ổn nay trở nên đáng ngại hơn. 

Các báo cáo của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu cảnh báo quá trình nóng lên toàn cầu và hậu quả chúng ta phải đối mặt lớn đến chừng nào. Các phân tích cho thấy nếu nhiệt độ trung bình của Trái Đất chỉ cần nhích thêm 1,5 độ C thì đến 14% các loài sinh vật trên cạn sẽ phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng. Con số này sẽ tăng lên thành 18% và 29% nếu nhiệt độ tăng lần lượt là 2 độ C và 3 độ C.

(Hiện tượng nóng lên toàn cầu gây ra biến đổi khí hậu)

Thậm chí không cần đến những báo cáo của Liên Hợp Quốc, ngay tại Việt Nam chúng ta cũng có thể nhận thấy các tác động của biến đổi môi trường trong những năm qua có ảnh hưởng cực kỳ tiêu cực:

  • Mực nước biển tăng khiến đất liền bị xâm thực dọc các khu vực duyên hải. Nơi sinh sống của hàng chục triệu người bị thu hẹp, quỹ đất ít đi, bị nhiễm mặn khiến khả năng canh tác không còn như trước.
  • Biến đổi khí hậu khiến tình hình mưa lũ, bão lụt gây ra sự tàn phá trầm trọng hơn trước đây (bão lũ lịch sử tại miền Trung năm 2020).

(Sạt lở và bão lũ tại Việt Nam do biến đổi khí hậu)

Hiện nay Trái Đất đã ấm hơn 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nếu không có những động thái rõ ràng, chúng ta sẽ phải đối mặt với những nguy cơ cực kỳ lớn đến từ vấn đề biến đổi khí hậu.

 

2.2 Tác động tốt

Lẽ dĩ nhiên việc đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế là điều tất yếu phải xảy ra. Nhưng không phải mọi đối tượng chuyển đổi số đều có chủ đích gây ra hậu quả tiêu cực. Đôi khi, chính sự chuyển đổi này đã tìm thấy giải pháp để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và tạo ra những lợi ích để bù đắp cho các thiệt hại đã gây nên. Nhiều doanh nghiệp sẵn sàng trích lợi nhuận hoặc dùng ý thức bảo vệ môi trường của khách hàng để làm đòn bẩy phát triển kinh doanh.

Ecosia – Trình duyệt cam kết chi 80% lợi nhuận của họ cho việc trồng cây tại nhiều quốc gia như Brazil, Indonesia, Peru, Tây Ban Nha, Colombia,... Ecosia thường xuyên cập nhật những dự án, thước phim cho thấy họ đang trực tiếp giúp đỡ người dân và tổ chức nơi họ đặt chân đến để thực hiện đúng cam kết của mình.