Tên miền là gì và lựa chọn tên miền theo tiêu chí nào?

Blog 490

1. Tên miền là gì?

Tên miền (domain) là địa chỉ của một trang web, là cái tên mà mọi người gõ vào thanh URL của trình duyệt để truy cập website của bạn. Tương tự như địa chỉ nhà ở đời thực, tên miền là “địa chỉ nhà” của bạn trên Internet. Và việc thiết lập tên miền sẽ giúp người dùng khác truy cập vào website của bạn dễ dàng hơn.

 

(Tên miền chính là “địa chỉ nhà” của bạn)

 

2. Tên miền giúp giải quyết vấn đề gì?

Bên trên đã đề cập đến việc tên miền giúp bạn truy cập vào website dễ dàng hơn. Vậy tại sao lại dễ dàng hơn?

Vì bạn hoàn toàn có thể truy cập một website không cần dùng đến tên miền. Nói đơn giản và ngắn gọn, máy tính không thể hiểu “cái tên” là gì, chúng chỉ hiểu được những con số. Và con số biểu thị cho website của bạn, lấy ví dụ là: 42.160.11.4 gọi là địa chỉ IP và chỉ cần ping đến địa chỉ trên là bạn đã có thể truy cập website của mình.

Tuy nhiên, việc ghi nhớ các dãy số là rất khó, gần như không thể. Tưởng tượng bạn sẽ phải ghi nhớ dãy địa chỉ IP của 30 hoặc 40 trang web thôi thì chắc chắn bạn sẽ lên cơn tiền đình rồi. Do đó, tên miền được phát triển và được sử dụng để xác định các thực thể trên Internet thay vì sử dụng địa chỉ IP. 

 

Việc xác định này mang tính tuyệt đối, mỗi tên miền là duy nhất. Vì để sử dụng tên miền, bạn phải đăng ký với nhà cung cấp tên miền được cơ quan quản lý ủy quyền. Nên sẽ không xảy ra tình trạng 2 trang web có tên miền trùng nhau, tránh tình trạng “vào nhầm nhà”.

 

(Việc ghi nhớ tên miền sẽ dễ dàng hơn ghi nhớ địa chỉ IP)

 

3. Tại sao bạn cần một tên miền?

Trên Internet, tên miền của bạn là danh tính duy nhất của bạn. Bất kỳ cá nhân, doanh nghiệp hoặc tổ chức nào dự định có sự hiện diện trên Internet đều nên đầu tư vào một tên miền. Có tên miền, trang web và địa chỉ email của riêng bạn sẽ mang lại cho bạn và doanh nghiệp của bạn một cái nhìn chuyên nghiệp hơn.

Một lý do khác để doanh nghiệp đăng ký tên miền là để bảo vệ bản quyền và thương hiệu, xây dựng uy tín, nâng cao nhận thức về thương hiệuđịnh vị doanh nghiệp trên công cụ tìm kiếm (SEO).

4. Có các loại tên miền nào?

Để hiểu điều này, trước hết chúng ta cần biết cấu tạo của một tiên miền tiêu chuẩn. Tên miền gồm 3 thành phần riêng biệt được phân cách bởi dấu chấm (.) là:

  • Top Level Domain (TLD): vn
  • Second Level Domain (SLD): chips
  • Sub Domain (SD): www

 

Phân loại tên miền chính là phân loại Top Level Domain (TLD). Số lượng TLD hiện có là vô cùng khổng lồ và không có quy luật hay tiêu chuẩn nào cho việc thiết lập mới một TLD cả. Vậy nên trong khuôn khổ bài viết này sẽ chỉ nhắc đến những tên miền đã rất thông dụng với chúng ta như .com, .org, .vn, .info,... mà có thể được chia làm 2 loại là:

  • Country Code Top Level Domain (ccTLDs): là tên miền cao cấp quốc gia, dùng để xác định một quốc gia cụ thể. Ví dụ: .vn cho Việt Nam hay .us cho Mỹ hoặc .uk cho Anh Quốc. Tên miền này giúp người truy cập xác định thị trường và đối tượng mà website hướng tới.
  • Generic Top Level Domain (gTLDs): là tên miền cấp cao chung, không phụ thuộc vào quốc gia cụ thể nào. Ví dụ: .com, .net, .org, .info, .edu,... là nhóm tên miền được dùng nhiều nhất trên môi trường Internet. Một số tên miền trong nhóm này dành cho mục đích sử dụng cụ thể như .edu dùng cho các tổ chức giáo dục, .gov dành cho chính phủ,...

* Fact: tên miền .com là viết tắt của commercial; .net là network; .org là organization; .gov là government; .info là information,...

 

5. Các tiêu chí để chọn tên miền tốt?

Trước hết, chúng ta phải nắm được các quy tắc chung khi thiết lập một tên miền, điều này rất quan trọng vì nó đảm bảo tên miền của chúng ta được chấp nhận và tham gia vào mạng lưới Internet cũng như có thể được tìm kiếm thông qua các công cụ như Bing, Google,... 

  • Tên miền không được vượt quá 63 ký tự (đã bao gồm phần TLD).
  • Tên miền chỉ bao gồm các ký tự trong bảng chữ cái (a-z), các số (0-9) và dấu (-). Khoảng trắng và các ký tự đặc biệt khác đều không hợp lệ.
  • Không bắt đầu hoặc kết thúc tên miền bằng dấu (-).
  • Tên miền của bạn không cần bắt đầu bằng http:// hoặc www hay http://www

(Chọn tên miền như thế nào?)

Việc chọn tên miền là một phần quan trọng trong việc xây dựng website cho doanh nghiệp. Còn quan trọng hơn nữa khi bạn cần định vị thương hiệu và quảng bá hình ảnh của mình đến với khách hàng. Vì vậy cần phải suy nghĩ kỹ và chọn lựa một tên miền hay, ấn tượng và dễ nhớ nhất để mọi người có thể truy cập vào website của bạn. Để chọn được tên miền tốt như thế, cần phải đảm bảo các tiêu chí dưới đây:

Tên miền ngắn gọn và dễ nhớ: số lượng ký tự trong tên miền ảnh hưởng rất lớn đến khả năng ghi nhớ của khách hàng. Việc nhớ tên miền sẽ còn hiệu quả hơn nữa nếu nó gợi nhắc về những điều quen thuộc, dễ khiến khách hàng liên tưởng. Hãy tưởng tượng bạn cần quảng bá sản phẩm găng tay tập luyện đấm bốc dành cho người tập thể thao thì bạn sẽ đặt tên thế nào? Chắc chắn không phải là “gantaytapluyendambocdanhchonguoitapthethao.com” rồi mà phải là “gangboxingthethao.com” hoặc chỉ cần “gangboxing.com” là được.

Tên miền liên quan đến sản phẩm, thương hiệu của doanh nghiệp: đây là cách phổ biến được dùng bằng cách sử dụng tên sản phẩm hoặc sử dụng tên doanh nghiệp để đặt tên miền,... Lưu ý là hãy đặt tên miền gợi lên chức năng của sản phẩm hoặc tính độc đáo của doanh nghiệp hay ít nhất là liên quan đến nội dung website mà bạn sẽ cho khách hàng xem. Điều này giúp khách hàng ghi nhớ tốt hơn với chủ đề mà bạn muốn khách hàng hướng tới. Ví dụ: “tour3ngay.com”, “kem7vi.com”,...

Tên miền khác biệt với các đối thủ cạnh tranh: Khi đặt tên miền theo cách nêu lên sản phẩm của doanh nghiệp bên trên, khó tránh khỏi việc chúng ta sẽ đặt trùng tên mà đáng buồn thay lại còn chậm chân hơn đối thủ. Vậy nên việc tự tách biệt mình với đối thủ cạnh tranh giúp khách hàng của chúng ta định vị tốt hơn thương hiệu của mình cộng thêm việc có thể lợi dụng nó để thúc đẩy marketing. Ví dụ đối thủ của bạn đã chọn một tên miền rất hay “nồi-nướng-chân-không.com” thì cái tên chúng ta có thể nghĩ đến là gì? - “nồi-chiên-không-dầu.com”.

Tên miền tạo sự kết nối với người dùng: Tên miền thể hiện sự tươi vui, mang tính kết nối với người dùng sẽ giúp doanh nghiệp ngầm tạo sự liên kết với khách hàng một cách tự nhiên. Thông thường sẽ được đặt tên bằng cách kết hợp các từ như: you, my, your, tôi, bạn,... vào tên miền. Phổ biến có thể kể đến như: “mytour.vn”, “toidi.net”,...

Tên miền không có ý nghĩa tiêu cực hoặc không gây nhầm lẫn: địa chỉ của các website hiện nay gần như được viết không dấu 100%. Vậy nên khi đặt tên miền chúng ta cũng phải lưu ý đến vấn đề này để không xảy ra những nhầm lẫn không đáng có. Ví dụ: “dành-cho-con.com” thành “danhchocon.com”,   “liềm-cụ.com” thành “liemcu.com”,...

Lời kết

Đến đây thì CHIPS tin bạn đã hiểu rõ về tên miền cũng như cách đặt tên miền sao cho phù hợp với doanh nghiệp của bạn rồi. CHIPS sẽ liên tục cập nhật những phương pháp mới để giúp người đọc có thêm các mẹo đặt tên miền vừa hay vừa hiệu quả trong tương lai nhé. Nhưng nếu hiện tại bạn đang rất cần một tên miền hay, độc đáo dành cho doanh nghiệp của mình thì đừng ngần ngại liên hệ với CHIPS

Cảm ơn bạn vì đã quan tâm bài viết của CHIPS, chúc bạn một ngày tốt lành

Nguồn: Hieudc - Công ty cổ phần CHIPS