Việt Nam nhận gấp đôi số vụ tấn công mạng so với năm 2021

Blog 386

1. Số vụ tấn công mạng tăng cao so với năm 2021

Chỉ trong 2 tháng đầu năm 2022, số vụ tấn công mạng tại Việt Nam đạt con số lên tới 2.643 vụ. Gồm 2.022 vụ tấn công bằng mã độc, 378 vụ tấn công lừa đảo, 243 vụ tấn công thay đổi giao diện.

Nếu tính trung bình, chỉ trong 2 tháng đầu năm, mỗi ngày đã có đến 45 cuộc tấn công nhắm vào hệ thống thông tin của chúng ta, tăng gần gấp đôi. Con số này chỉ khoảng 26 vụ vào năm ngoái - 2021.


Một tin tặc nguy hiểm

(Sự phát triển hệ thống thông tin tại Việt Nam có lẽ là miếng mồi ngon cho các tin tặc)

Một phần vấn đề đến từ sự phát triển của hạ tầng mạng tại Việt Nam, số lượng và chủng loại các thiết bị công nghệ được sử dụng ngày càng nhiều. Đây rõ ràng là miếng mồi béo bở cho các hacker vì các hệ thống mới luôn là đối tượng dễ khai thác nhất.

Tệ hơn, các tổ chức và doanh nghiệp dường như chưa đánh giá đúng nguy cơ các cuộc tấn công của tin tặc. Đến 43% cơ sở hạ tầng IoT của các doanh nghiệp vẫn chưa có biện pháp bảo vệ cụ thể nào. Một phần nguyên xuất phát từ chi phí và nhân lực dành cho bảo mật thông tin, bởi nó chiếm từ 35 – 40% tổng chi phí để vận hành toàn bộ hệ thống, khiến rủi ro an ninh mạng của các doanh nghiệp này tăng cao.

 

2. Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á về các vụ tấn công ứng dụng di động

Năm 2021, số lượng truy cập Internet của các thiết bị di động tại Đông Nam Á tăng 147%. Kéo theo hệ lụy là số cuộc tấn công nhắm vào nền tảng này cũng gia tăng không ngừng.

Kaspersky - đơn vị phát hiện và ngăn chặn tổng cộng 43.171 cuộc tấn công trên thiết bị di động nhắm vào người dùng tại Việt Nam nhận định rằng: Trojan là mối đe dọa phổ biến nhất ở thị trường này.

Kaspersky trên di động

(Kaspersky cho rằng các cuộc tấn công trên phương tiện di động đang gia tăng)

Xét về quy mô, Indonesia là khu vực có nhiều mã độc được phát hiện nhất khu vực Đông Nam Á với 375.547 vụ việc.

Nhưng nếu xét riêng số vụ tấn công ứng dụng ngân hàng trên di động, Việt Nam lại đứng đầu với 697 vụ được phát hiện, tăng 131 vụ so với năm 2020. Tuy nhiên, không chỉ Việt Nam đối diện với sự gia tăng này. Indonesia và Philippines cũng chứng kiến sự trỗi dậy của mã độc tấn công ứng dụng ngân hàng trên di động.

Vì vậy, không thể lơ là trước làn sóng tấn công mới này bởi khu vực Đông Nam Á và Việt Nam nói riêng đã hứng chịu nhiều cuộc tấn công gây thiệt hại cực kỳ lớn trước đó.

 

3. Những vụ tấn công nghiêm trọng

Không chỉ thời gian gần đây, đã từ lâu các doanh nghiệp Việt Nam phải hứng chịu hàng nghìn vụ tấn công an ninh mạng diễn ra hàng năm. Một lượng không nhỏ trong con số đó nhắm vào những công ty và tập đoàn lớn.

Tuy sở hữu đội ngũ phòng chống tin tặc chuyên nghiệp nhưng vẫn chịu khuất phục trước những đòn tấn công khủng khiếp của giới hacker. Nhiều tập đoàn đã nhận phải những “quả đắng” và chịu thất thoát kinh tế khổng lồ.

 

Bkav

Vào ngày 13/02/2012, một nhóm hacker tự nhận là “Anonymous/LulzSec Việt Nam” đã tấn công deface diễn đàn Bkav và công khai hơn 100.000 địa chỉ email, mật khẩu và nhiều dữ liệu của của website.

Sau đó, ngày 24/02/2012, các hacker này công bố 8 lỗi bảo mật nghiêm trọng trong hệ thống của Bkav lên một trang blog. Nhưng phía đại diện Bkav đã phủ định toàn bộ những thông tin này và thông báo rằng đã xác định được đối tượng gây ra vụ việc.

 

VCCorp

Từ ngày 17-18/10/2014, các website thuộc sở hữu của VCCorp và website đối tác của công ty này không thể truy cập được hoặc bị chuyển hướng sang một trang blog khác có tên “VCCorp tự truyện”. Nơi này đăng tải nhiều thông tin tiêu cực đến VCCorp và các đối tác.

Sự cố đã gây thiệt hại cho VCCorp cũng như đối tác hàng chục tỷ đồng. Đây được xem là đợt tấn công nghiêm trọng nhất từng xảy ra với tập đoàn này.

 

VNG

Vào ngày 26/04/2018, hơn 163 triệu tài khoản Zing ID bị phát hiện được rao bán trên một diễn đàn nước ngoài. Rất nhiều thông tin bao gồm tên đăng nhập, mật khẩu, email, số điện thoại, v.v. của người chơi bị lộ do thông tin được mã hóa quá sơ sài. Hacker đã lợi dụng các lỗ hổng và khai thác được những thông tin nhạy cảm từ sự cố này. Tuy đã được VNG xác nhận chuyện này xảy ra từ năm 2015 nhưng phía công ty không có động thái nào để công bố vụ việc tại thời điểm đó.

 

Vietnam Airlines

Ngày 29/07/2016, một số màn hình hiển thị tại các sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Phú Quốc bị tin tặc tấn công. Các hacker đã thay đổi nội dung thường ngày thành những thông tin xuyên tạc, xúc phạm Việt Nam và Philippines.

Đồng thời, website của hãng Vietnam Airlines bị tấn công và bị đánh cắp dữ liệu của 411.000 thành viên Golden Lotus. Bao gồm những thông tin quan trọng như họ tên, ngày sinh, địa chỉ thường trú, số điện thoại, mật khẩu tài khoản, v.v. Đặc biệt nghiêm trọng là thông tin về thẻ tín dụng của những khách hàng này.

Tại thời điểm đó, hành động này đã khiến hơn 100 chuyến bay bị ảnh hưởng.

Vietnam Airlines bị hacker tấn công

(Các tập đoàn lớn bị hacker dòm ngó đã phải chịu những tổn thất nặng nề)

 

4. Lời kết

Với sự phát triển cực kỳ nhanh chóng của công nghệ tại khu vực Đông Nam Á, bao gồm cả Việt Nam và sự lộng hành của các nhóm tin tặc; việc thông tin trên các thiết bị thông minh của chúng ta bị nhòm ngó là điều sẽ xảy ra thường xuyên hơn trong tương lai.

Vì vậy các bạn nên tự bảo vệ những thông tin quan trọng của mình bằng cách tham khảo thêm một số phương thức bảo mật từ các diễn đàn công nghệ. Hãy thường xuyên thay đổi mật khẩu và sử dụng nhiều lớp xác thực khác nhau để bảo vệ dữ liệu của mình nhé.

Hy vọng cả bạn và Chips sẽ không phải là nạn nhân từ những vụ tấn công của các hacker bí ẩn kia.

Cảm ơn bạn vì đã quan tâm bài viết của Chips, chúc bạn một ngày tốt lành   

Powered by Froala Editor

Nguồn: Hieudc (Tham khảo nhiều nguồn) - Công ty cổ phần Chips