Thế nào là chuyển đổi số thành công

Blog 1030

1. Chuyển đổi số là gì, hiểu đúng về chuyển đổi số

1.1 Thế nào là chuyển đổi số

“Chuyển đổi số” là một cụm từ không còn xa lạ nữa đối với chúng ta. Nó đã dần hiện diện trong mọi mặt của cuộc sống, tạo ra sức ảnh hưởng lớn không chỉ về kinh tế mà còn gián tiếp tác động lên các khía cạnh xã hội khác. Chuyển đổi số đã định hình cách các doanh nghiệp (thậm chí là Chính phủ) trong việc tiếp cận các giải pháp công nghệ.

Chuyển đổi số là gì

(Chuyển đổi số là đòn bẩy cho phát triển kinh tế)

Tuy đã xuất hiện từ khá lâu, nhưng khái niệm “Chuyển đổi số” vẫn chưa được định hình cụ thể. Có thể do mô hình và cách tiếp cận của các công ty là không giống nhau và tạo nên kết quả theo những hướng đi khác biệt nên việc có một định nghĩa chung cho chuyển đổi số vẫn chưa thể thống nhất. Cho dù vậy, hình thái của nó đã có sự phân cấp rõ rệt trong quá trình phát triển, vì thế chúng ta cần phải hiểu rõ về bản chất của chúng và cách chúng tạo ra ảnh hưởng đến mô hình của doanh nghiệp.

 

1.2 Vậy chuyển đổi số gồm những gì

Xem xét một cách tổng quan thì “Chuyển đổi số” (Digital Transformation) sẽ hoàn toàn khác với “Số hóa” (Digitizing):

  • “Số hóa” là quá trình hiện đại hóa, chuyển đổi các hệ thống thông thường sang hệ thống kỹ thuật số (chẳng hạn như chuyển từ tài liệu dạng giấy sang các file mềm trên máy tính, số hóa truyền hình từ phát sóng analog sang phát sóng kỹ thuật số...). Gồm 2 quá trình nhỏ là: Chuyển dữ liệu thành dạng số (Digitization) và Khai thác dữ liệu số (Digitalization).
  • Trong khi đó, “Chuyển đổi số” là thu thập các dữ liệu có được từ quá trình số hóa, rồi áp dụng các công nghệ để phân tích, biến đổi các dữ liệu đó và tạo ra các giá trị mới hơn.

Giai đoạn phát triển của chuyển đổi số

(Các giai đoạn phát triển của chuyển đổi số)

Mở rộng cách giải thích trên, có thể hiểu “Số hóa” là một phần tất yếu của quá trình “Chuyển đổi số”. “Số hóa” tập trung việc khai thác công cụ số hoặc nền tảng số, cách làm này đơn thuần là bổ sung thêm một công cụ để phục vụ mô hình hoạt động của doanh nghiệp và không làm thay đổi bản chất cốt lõi của doanh nghiệp đó.

Và ở khía cạnh còn lại, “Chuyển đổi số” chính là nấc thang tiếp theo đưa các mảnh ghép đã ổn định từ quá trình “Số hóa” trở thành một mô hình kinh doanh mới. “Chuyển đổi số” chính là quá trình đánh giá, phân tích những ưu nhược điểm, lược bỏ hoặc thêm bớt những quy trình hoặc công cụ số. Nhằm tạo nên một thể thống nhất liên kết chặt chẽ với nhau từ các yếu tố như phương thức quản trị, tiếp cận khách hàng, gia công sản xuất, phân phối sản phẩm,… thành một hệ thống hoàn toàn mới, đáp ứng các nhu cầu mới theo mô hình kinh doanh của doanh nghiệp.

Chuyển đổi số thành công là khi toàn bộ mô hình kinh doanh đã hoàn toàn được vận hành bởi nền tảng số, tạo ra giá trị vượt trội so với mô hình kinh doanh cũ và tiết kiệm được chi phí cũng như nguồn lực cho doanh nghiệp.

Ví dụ một mô hình chuyển đổi số

(Một ví dụ về mô hình chuyển đổi số doanh nghiệp)

 

2. Xu hướng chuyển đổi số

Như đã đề cập, các doanh nghiệp có mô hình kinh doanh khác nhau sẽ có những kế hoạch chuyển đổi số khác nhau. Tuy chúng ta luôn tập trung nhắc đến một khái niệm “Chuyển đổi số” nhưng thực chất nó bao gồm rất nhiều quá trình bên trong, đi kèm với những công cụ riêng phù hợp với từng loại quá trình đó. Vậy những công cụ phổ biến cho quá trình chuyển đổi số gồm những gì?

2.1 Điện toán đám mây (Cloud)

Điện toán đám mây là việc phân phối các tài nguyên CNTT theo nhu cầu qua Internet với chính sách thanh toán theo mức sử dụng. Thay vì tự mua, sở hữu và tự bảo trì các trung tâm dữ liệu hoặc máy chủ đó, chúng ta có thể tiếp cận các dịch vụ công nghệ như điện toán, ứng dụng phần mềm, cơ sở dữ liệu,… thông qua việc kết nối với Cloud. Cách làm này giúp các hệ thống đồng bộ với chi phí thấp hơn cách làm cũ.

Sơ đồ đơn giản về điện toán đám mây (Cloud)

(Sơ đồ đơn giản về công nghệ điện toán đám mây - Cloud)

Cloud là một công nghệ chủ lực trong nền công nghiệp 4.0. Với sự xuất hiện ngày càng dày đặc các công nghệ và nền tảng mới thì việc có một môi trường thuận tiện để tận dụng những tài nguyên đó là vô cùng cần thiết.

 

2.2 IoT (Internet of Things)

Internet vạn vật (IoT) là một khái niệm chỉ sự kết nối giữa các thiết bị khác nhau để tạo thành một mạng kết nối khổng lồ. Các thiết bị đó giờ đây không còn bó hẹp như laptop, điện thoại, tablet,… mà bất cứ thực thể nào sở hữu khả năng kết nối với Internet cũng có thể trở thành một phần của IoT. Từ đồng hồ thông minh, nhà thông minh, robot công nghệ, đến cả xe hơi, tivi, tủ lạnh thậm chí cột đèn giao thông nếu được tích hợp mạch kết nối cũng có thể trở thành một phần tử IoT.

Internet of Things (IoT) có thể kết nối rất nhiều thiết bị

(Bất cứ thiết bị nào có thể kết nối mạng đều có thể trở thành một phần của IoT)

Điều này cho chúng ta lợi ích gì? Dễ dàng nhận thấy nhất là khả năng truy cập và quản lý tất cả thiết bị trong một lần:

  • Mọi vật dụng trong căn nhà thông minh có thể được điều khiển thông qua duy nhất một ứng dụng trên di động.
  • Một doanh nghiệp có thể vận hành toàn bộ máy móc sản xuất theo quy trình chỉ nhờ một bảng điều khiển.
  • Một thành phố có thể kiểm soát toàn bộ hệ thống điện, hệ thống cung cấp nước, hệ thống chiếu sáng, camera an ninh,… tất cả quy tụ về một trung tâm quản lý duy nhất

Từ đó suy ra, hệ thống này sẽ cải thiện thời gian giao tiếp giữa các thiết bị, thời gian xử lý các tác vụ sẽ ngắn hơn. Khả năng tự động hóa sẽ cắt giảm các quy trình thừa thãi, tiết kiệm công sức và tiền bạc cho người vận hành.

 

2.3 Hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP)

Hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (Enterprise Resource Planning) là một hệ thống bao hàm những chức năng và công cụ dùng để hoạch định tài nguyên của một tổ chức, doanh nghiệp. Những tài nguyên đó có thể là:

Tùy vào mục đích cụ thể, hệ thống ERP có thể lớn hơn và thực hiện nhiều chức năng hơn danh sách bên trên. Mỗi nhu cầu quản trị cụ thể thường sẽ đi kèm một công cụ phần mềm giúp quá trình xử lý được đơn giản hóa.

Một mô hình ERP phổ biến

(ERP là một hệ thống quản trị, giúp doanh nghiệp quản lý và phát huy tốt các nguồn lực )

ERP không chỉ đơn thuần là một công cụ quản trị, cốt lõi của ERP là việc thu thập, phân tích và đánh giá thông tin để giúp doanh nghiệp đưa ra những phương án và hướng đi đúng đắn trong kinh doanh. Chúng ta đã nhắc đến việc bản chất của chuyển đổi số chính là “Phân tích và chuyển đổi các quy trình và công cụ số, thành một hệ thống hoàn toàn mới, đáp ứng các nhu cầu mới theo mô hình kinh doanh của doanh nghiệp”.

Vì vậy ERP đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc chuyển đổi số thành công.

 

2.4 Xu hướng chuyển đổi số tại Việt Nam

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện năm 2020, khảo sát trên 400 doanh nghiệp cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu nhận thức và ứng dụng các công nghệ số vào các khâu như quản trị nội bộ, mua hàng, logistics, sản xuất, marketing, bán hàng và thanh toán.

Đại dịch COVID-19 đã buộc các công ty và đoàn thể phải sử dụng các tiện ích công nghệ thường xuyên hơn khi lệnh giãn cách xã hội được ban hành. Trong một thời gian ngắn, tỷ lệ các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số tăng nhanh so với trước đây, đặc biệt trong việc quản lý nhân sự từ xa, hội nghị trực tuyến, học trực tuyến, phê duyệt nội bộ,…

Đại diện VCCI phát biểu

(Nghiên cứu của VCCI cho thấy nhu cầu chuyển đổi số tại Việt Nam là rất lớn)

Trong lĩnh vực quản trị nội bộ, điện toán đám mây (Cloud) là công cụ kỹ thuật được nhiều doanh nghiệp Việt Nam sử dụng nhất, với 60,6%, tăng 19,5% so với thời điểm trước đại dịch COVID-19. Tiếp theo là hệ thống hội nghị trực tuyến, hệ thống quản lý công việc và quy trình với xấp xỉ 30% số doanh nghiệp đã ứng dụng các công cụ này trước khi có đại dịch và xấp xỉ 19% số doanh nghiệp đã bắt đầu sử dụng các công cụ này từ khi có dịch bệnh.

Đồng thời, khảo sát trên cho thấy kỳ vọng lớn của đại bộ phận doanh nghiệp Việt Nam đối với quá trình chuyển đổi số. Có tới 98% số doanh nghiệp kỳ vọng có sự thay đổi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh khi thực hiện chuyển đổi số, trong đó lớn nhất là khả năng giúp giảm chi phí (chiếm tỷ lệ hơn 71%), giúp doanh nghiệp hạn chế giấy tờ (61,4%), đưa thêm giá trị gia tăng vào trong sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ (45,3%).

Ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất

(Các doanh nghiệp Việt Nam đang gấp rút tiếp cận các giải pháp số)

Tuy Việt Nam chúng ta đang đi sau thế giới trong ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số nhưng đây đồng thời cũng là một lợi thế mà chúng ta nên tận dụng. Những doanh nghiệp đã thực hiện chuyển đổi số, thành công có, thất bại có, con đường họ đi cũng không hề đơn giản hay dễ dàng. Từ những sai lầm và bài học đấy chúng ta có thể đúc kết chúng thành kinh nghiệm áp dụng cho doanh nghiệp của mình. Vậy những mô hình chuyển đổi số thành công tiêu biểu trên thế giới gồm những ai?

 

3. Những mô hình chuyển đổi số thành công

Đối với các công ty truyền thống, số hóa doanh nghiệp chính là sự thúc đẩy tăng trưởng cho kinh doanh. Chuyển đổi số mở ra cơ hội tiếp cận các khách hàng mục tiêu và giảm đi chi phí, tạo nên nguồn lợi nhuận chênh lệch khổng lồ so với cách làm việc trước đây.

Không chỉ vậy, với một số doanh nghiệp, chuyển đổi số không chỉ là để gia tăng lợi nhuận, nó còn là mục tiêu sống còn để công ty đó tiếp tục tồn tại.

Có không hiếm những trường hợp vì cố chấp không thay đổi để phù hợp khi nền kinh tế số bắt đầu đã phải ngậm ngùi giải thể. Nhưng cũng có những doanh nghiệp cực kỳ nhạy bén và nhìn ra con đường để thật sự “lột xác” và trở thành người dẫn đầu trong thị trường này.

 

3.1 Netflix

Netflix – nền tảng chiếu video trực tuyến nổi tiếng, là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với các ông lớn khác như Disney Plus, Hulu, Amazon Prime Video, HBO Max,… Nhưng chỉ mới phát triển 15 năm trở lại đây, trước đó Netflix đã từng là cái tên vô danh trong lĩnh vực này.

Xuất phát điểm là một công ty cho thuê đĩa DVD, tuy tăng trưởng đều đặn với lượng khách hàng trung thành nhưng không đạt được sự bứt phá lớn nào mãi cho đến năm 2007. Khi bước ngoặt Youtube dần trở nên thịnh hành với đại chúng. Netflix đã nhận ra tiềm năng của việc chuyển dịch cơ cấu xem video từ các thiết bị đầu đọc thông thường sang môi trường trực tuyến với các dịch vụ có thể phát hành 24/7. Mở ra một thị trường màu mỡ mà rất ít doanh nghiệp tại thời điểm đó có thể khai thác.

Netflix chuyển mình sang dịch vụ trực tuyến

(Netflix dần chuyển mình sang dịch vụ trực tuyến)

Từ đó trở đi, Netflix đã cơ cấu lại hoàn toàn cách thức hoạt động của công ty, tập trung toàn bộ nguồn lực để đưa các dịch vụ của mình lên nền tảng số. Đạt được mức tăng trưởng kỷ lục mà chưa có doanh nghiệp cùng ngành nào đạt được, từng bước trở thành một gã khổng lồ nhờ vào việc nắm bắt thời điểm chuyển đổi số chính xác:

  • Vào tháng 4 năm 2011, Netflix có hơn 23 triệu người đăng ký tại Mỹ và hơn 26 triệu người đăng ký trên toàn thế giới.
  • Vào tháng 4 năm 2014, Netflix đã tiếp cận 50 triệu người đăng ký toàn cầu, hoạt động tại 41 quốc gia, với thị phần phát trực tuyến video tại Mỹ là 32,3%.
  • Vào năm 2018, báo cáo lợi nhuận của Netflix lên đến 1,21 tỉ USD. Với doanh thu ở mức 15,8 tỉ USD, tăng khoảng 116% so với chu kỳ tài chính trước đó. Cổ phiếu của Netflix được giao dịch ở mức hơn 400 USD, và vốn hóa thị trường của Netflix đã đạt mức 180 tỉ USD trong tháng 6 năm 2018. Lọt vào bảng xếp hạng danh sách các công ty lớn nhất Hoa Kỳ (Fortune 500), giữ vị trí 261 trên bảng xếp hạng dựa theo doanh thu.

Có thể thấy, nếu Netflix không nhạy bén và tận dụng cơ hội để chuyển dịch các sản phẩm của mình lên nền tảng số thì sẽ không bao giờ đạt được thành công như hôm nay. Quyết định đúng lúc này đã giúp Netflix phát triển vượt bậc và tạo đà để trở thành kẻ thống trị thị trường.

Một biểu ngữ của Netflix

("Đừng từ bỏ giấc mơ của bạn, chúng tôi từng khởi đầu từ đĩa DVD" - Netflix)

 

3.2 Fujifilm

Fujifilm là một hãng sản xuất máy ảnh nổi tiếng đến từ Nhật Bản, sánh vai cùng những thương hiệu cũng nổi tiếng không kém như Canon, Nikon, Pentax,… là những cái tên đã định hình thị trường máy ảnh từ những thời điểm đầu tiên và đã có lịch sử phát triển gần 1 thế kỷ.

Như chính tên gọi của hãng đã đề cập, thế mạnh của Fujifilm là về các dòng máy ảnh cơ sử dụng phim (film) vật lý để cho ra chất ảnh cực kỳ riêng biệt, tạo nên nét hoài cổ độc đáo, trở thành nhận diện thương hiệu của Fujiflm.

Máy ảnh TX-1 Fujifilm

(Dòng máy phim TX-1 của Fujifilm)

Nhưng dòng chảy thời gian không nhân nhượng với bất kỳ một công ty truyền thống nào, kể cả những tượng đài đã khẳng định bản thân trong thị trường suốt hàng thập kỷ. Fujifilm - đáng buồn thay không phải một trường hợp ngoại lệ khi cũng bị buộc phải thay đổi nếu không muốn đứng trước nguy cơ bị đào thải bởi những hãng máy ảnh khác đã số hóa và bắt kịp thị trường.

Vì vậy Fujifilm đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch chuyển đổi lên nền tảng số. Hãng đã tích cực thay đổi cấu trúc chiếc máy ảnh của mình từ các phím chức năng, khung vỏ đến thay đổi một chút về ngoại hình, thêm vào màn hình LCD và thậm chí chuyển đổi phương thức lưu ảnh từ phim thành thẻ nhớ kỹ thuật số để phù hợp hơn với thị hiếu của người dùng.

Máy ảnh kỹ thuật số Fujifilm

(Dòng máy kỹ thuật số mới của Fujifilm)

Tuy vậy, khác với ví dụ về Netlix khi họ thay đổi hoàn toàn bản chất các sản phẩm của mình. Fujifilm luôn kiên định với giá trị mà họ đã xây dựng suốt bao lâu nay – chính là nét hoài cổ đặc trưng đã trở thành thương hiệu của hãng. Các dòng máy phim vẫn được sản xuất song song với dòng máy ảnh kỹ thuật số. Cho dù không chiếm tỉ trọng lớn như lúc trước, nhưng phân khúc này vẫn giữ được lượng khách hàng trung thành. Thậm chí, Fujifilm còn cố gắng để mô phỏng lại chất ảnh phim của họ dựa trên những cài đặt trên một vài dòng máy kỹ thuật số. Càng khẳng định hơn nữa quyết tâm của Fujifilm để giữ lại những giá trị tinh túy nhất của hãng.

Máy ảnh X-A5 Fujifilm

(X-A5 một mẫu máy ảnh kỹ thuật số nhưng giữ lại chất hoài cổ đặc trưng của Fujifilm)

Có thể thấy, mô hình chuyển đổi số của Fujifilm không giống với những mô hình chuyển đổi khác. Thay vì dựa dẫm hoàn toàn vào những tiến bộ công nghệ, Fujifilm đã phân tích kỹ lưỡng và chắt lọc những giá trị phù hợp cho mô hình kinh doanh của mình, giúp thương hiệu tách biệt so với những cái tên khác trên thị trường. Đây mới là mục tiêu thật sự của chuyển đổi số - kế thừa những giá trị cốt lõi của hệ thống cũ để phát triển nó trên hệ thống mới.

 

3.3 Lego

Lego là một hãng sản xuất đồ chơi nổi tiếng đến từ Đan Mạch. Sản phẩm chủ lực của họ là những món đồ chơi láp ráp với hình dáng là các khối nhựa màu sắc bắt mắt. Lego thành công ở chỗ, sản phẩm của họ rất đơn giản, dễ tiếp cận, dễ tùy chỉnh và hãng đã thu hút rất tốt sự quan tâm của trẻ em – đối tượng khách hàng chính của Lego. Vì vậy, chỉ cần tập trung vào sản xuất thật nhiều mảnh đồ chơi thì Lego sẽ thu được món lợi khổng lồ vì thị trường của họ cực kỳ tiềm năng.

Nhưng mọi chuyện có thật là như vậy không?

Sản phẩm của Lego

(Sản phẩm của Lego)

Đúng là trên thực tế, có những thời điểm, số lượng mảnh Lego được sản xuất lên đến con số 600 tỷ, tạo ra một nguồn doanh thu không tưởng. Giúp Lego trở thành một trong những công ty sở hữu danh xưng “nhãn hiệu quyền lực nhất thế giới”. Nhưng mấy ai ngờ, kế hoạch kinh doanh tưởng như an toàn của họ lại khiến cho công ty đứng trên bờ vực sụp đổ.

Năm 2004, Lego suýt phải tuyên bố phá sản, có 1 lý do và 2 tác nhân chính dẫn đến thảm họa trên:

  • Đầu tiên, Lego đã tiêu tốn quá nhiều chi phí cho công đoạn sản xuất các mảnh đồ chơi của mình. Số lượng mảnh đồ chơi càng lớn thì số lượng khuôn đúc để sản xuất cũng phải bổ sung thêm. Và Lego đã không quản lý tốt quá trình trên dẫn đến việc chi phí của họ bị đội lên quá cao so với dự tính.
  • Thứ hai, trong giai đoạn những năm 1996 – 2002, Lego đã đẩy mạnh đầu tư vào Legoland, là một khu công viên giải trí theo chủ đề của Lego. Tuy vậy lại không được thành công như mong đợi, 4/6 công viên của họ nằm trên nguy cơ ngừng hoạt động và gần như bị bán đi.

Cả 2 vấn đề trên đã gây ra tổn thất 174 triệu USD cho Lego tại thời điểm đó, khiến công ty gần như vỡ nợ. Và chúng đều xuất phát từ 1 lý do duy nhất: trẻ em – khách hàng chủ lực của Lego đã không còn mặn mà với sản phẩm của hãng nữa. Lego đã không lắng nghe người dùng của mình và đã không nghiên cứu kỹ về thị hiếu của thị trường.

Vì vậy Lego bắt buộc phải thay đổi.

Sản phẩm của Lego không bán được

(Lego suýt nữa đã phá sản vì không lắng nghe người dùng)

Năm 2005, bước đầu công ty đã số hóa các quy trình chuỗi cung ứng của mình để kiểm soát tốt hơn về tiến độ trong sản xuất và quản lý chi phí. Năm 2008, Lego đã chuyển các ứng dụng nhân sự của mình sang một hệ thống tập trung và áp dụng cho toàn doanh nghiệp.

Năm 2009, Lego chuyển dịch hệ thống cửa hàng lên nền tảng số, giúp hãng có cái nhìn sâu sắc hơn về các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Đến năm 2011, tiếp tục triển khai giải pháp quản lý vòng đời sản phẩm ở cấp doanh nghiệp.

Cửa hàng online của Lego

(Cửa hàng online của Lego)

Vào năm 2016, đội ngũ quản trị của Lego nhận thấy rằng công ty vẫn chưa hoàn thành quá trình chuyển đổi số. Tuy đã xây dựng một cơ sở hạ tầng doanh nghiệp có thể hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật, nhưng công ty vẫn chưa chuyển đổi hoàn toàn sang mô hình hoạt động dựa trên nền tảng này. Ngay khi nhận thấy vấn đề, Lego đã tinh gọn các quy trình và cắt giảm số lượng ban giám sát. Các giám đốc điều hành sau đó phải liên tục cập nhật và áp dụng công nghệ vào mô hình quản trị của mình.

Xa hơn thế, Lego sử dụng công nghệ như một cách để cung cấp các ý tưởng cho sản phẩm vật lý truyền thống của họ. Các nền tảng mạng xã hội, website có thể tạo điều kiện hợp tác và cải thiện mức độ tương tác giữa Lego và khách hàng. Trong nỗ lực đó, Lego đã xây dựng một cổng thông tin mới, nơi mọi người có thể đề xuất các ý tưởng về sản phẩm và thương mại hóa chúng (https://ideas.lego.com/).

Lego kết hợp với Minecraft

(Minecraft Lego, một trong những sản phẩm thành công nhờ sự lắng nghe người dùng của Lego)

Hiệu quả đến từ những chính sách cấp tiến này đã giúp Lego lấy lại vị thế của mình trên thị trường. Sản phẩm của hãng đã xuất hiện trên nhiều nền tảng khác nhau, với số lượng và độ đa dạng lớn hơn. Trong 10 năm trở lại đây, mức tăng trưởng của Lego đã gấp nhiều lần so với giai đoạn trước khủng hoảng. Hiện tại giá trị của công ty đã đạt đến mức 9 tỷ USD, năm 2021 vừa qua doanh thu của hãng đạt hơn 3 tỷ USD với lợi nhuận ròng vào khoảng 900 triệu USD.

Sản phẩm của Lego thành công trở lại

(Lego đã vực dậy sau khủng hoảng nhờ áp dụng phương pháp chuyển đổi đúng đắn)

Qua những ví dụ trên chúng ta có thể thấy mỗi mô hình kinh doanh khi chuyển đổi số sẽ có những cách tiếp cận khác nhau:

  • Netflix thay đổi hoàn toàn bản chất sản phẩm của họ - thành công.
  • Fujifilm thay đổi một phần bản chất sản phẩm của họ - thành công.
  • Lego hoàn toàn không thay đổi bản chất sản phẩm của họ - thành công.

Kết quả đạt được cũng vì thế mà có sự khác biệt. Nhưng đều hướng đến mục tiêu chung là giữ vững vị thế trên thị trường của mình. Nếu không thay đổi, những doanh nghiệp trên sẽ tụt hậu, tệ hơn là phá sản.


4. Lời kết

Chips hi vọng thông qua bài phân tích này, bạn đã hiểu rõ hơn về chuyển đổi số là gì, các giai đoạn của nó và các yếu tố cấu thành một doanh nghiệp chuyển đổi số thành công.

Tuy nhiên, trong thực tế, chuyển đổi số còn bao hàm nhiều vấn đề khác mà trong khuôn khổ bài viết không thể đề cập hết được. Nếu bạn hoặc doanh nghiệp của bạn quan tâm đến chuyển đổi số và muốn ứng dụng vào mô hình kinh doanh của mình, hãy liên hệ với Chips. Chips đã nghiên cứu về lĩnh vực chuyển đổi số hơn 10 năm và đã giúp hàng trăm doanh nghiệp xây dựng các giải pháp hiệu quả và thành công. Thông qua kinh nghiệm của mình, Chips hy vọng có thể giúp nhiều doanh nghiệp hơn nữa chinh phục con đường chuyển đổi số.

Hãy liên hệ với Chips để biết thêm chi tiết nhé:

Cảm ơn bạn vì đã quan tâm bài viết của Chips, chúc bạn một ngày tốt lành   

Powered by Froala Editor

Nguồn: Hieudc - Công ty cổ phần Chips